Thời kỳ kháng chiến chống Pháp
Ngày đăng: 11:00:41 22/04/2014

 THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP(1945 - 1954)

Năm 1945, cách mạng tháng 8 thành công, ta đã tiếp nhận một nền y tế nghèo nàn, chủ yếu ở các đô thị. Trên 90% dân số ở nông thôn hoàn toàn không có một tổ chức y tế nào phục vụ. Người dân khi bị bệnh tật phải tự lo liệu lấy bằng mọi cách kể cả các bài thuốc dân gian, thậm chí duy tâm, lạc hậu. Ở thị xã Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp hiện có một đền thờ do dân lập ra để thờ ông Câu Lãnh (Câu, gọi tắt của chữ Câu Dương, một chức quan nhỏ thời phong kiến). Tục truyền rằng thời đó, trong một vụ dịch tả hoành hành dữ dội ở địa phương làm nhiều người chết, ông Câu Lãnh đứng ra tổ chức cúng bái rồi cho nhiều người uống nước pha tàn nhang và nhiều người đã khỏi bệnh nên dân đã lập đền thờ ông. Với trình độ khoa học ngày nay, người ta có thể giải thích được vì sao người mắc bệnh tả uống nhiều nước, dù là nước lã vẫn có thể tránh khỏi tử vong. Trong bối cảnh khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu như vậy, ngay sau khi giành chính quyền, chính phủ Việt Nam đã quan tâm, tập hợp mọi nguồn lực để xây dựng ngành y tế hướng về cộng đồng, phục vụ sức khỏe nhân dân và phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Thực hiện chỉ đạo đó, các phòng vi trùng học được hình thành, ở Nam bộ có phòng vi trùng học và phòng sản xuất vắc xin tả, TAB và đậu mùa, ở Trung bộ có phòng vi trùng học và sản xuất vắc xin, ở Bắc bộ có phòng vi trùng học Việt Bắc. Theo tiếng gọi của tổ quốc, nhiều bác sĩ, y tá được đào tạo dưới thời Pháp thuộc, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, với lòng tin mãnh liệt vào lý tưởng, mục tiêu của Cách Mạng, họ đã lên đường tham gia kháng chiến, Bs. Nguyễn Văn Hưởng là một trong những tấm gương tiêu biểu đó.

BS. Nguyễn Văn Hưởng

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế

 Tuy trong điều kiện chiến tranh ác liệt nhưng việc sản xuất vắc xin không bao giờ bị gián đoạn nhờ các phòng vi trùng học ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Thời kỳ này ta mới chỉ sản xuất được 3 loại vắc xin: tả, thương hàn, đậu mùa đủ đáp ứng cho nhu cầu phục vụ bộ đội và nhân dân. Do việc sản xuất vắc xin được thực hiện ở trong rừng hoặc trong nhà dân nên gặp nhiều khó khăn.

Tình hình chiến sự diễn ra không thuận lợi cho Pháp nên tổ chức của Viện Pasteur cũng thay đổi theo. Năm 1952, một ban điều hành hỗn hợp Pháp - Việt được thành lập. Từ năm 1958, các Viện Pasteur Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang hoàn toàn do người Việt Nam quản lý. Bs. Nguyễn Văn Ái là tổng giám đốc Việt Nam đầu tiên. Tại từng Viện lại có giám đốc riêng, Viện Pasteur Sài Gòn do Bs. Lý Thành Đáng làm viện trưởng. Do tình hình chiến sự và truyền thống Pasteur mang tính tự trị cao, Viện Pasteur Sài Gòn tập trung nhiều vào các họat động labo, xét nghiệm, sản xuất một số vắc xin, sinh phẩm để thu tiền trả lương cho nhân viên và trang trải cho các họat động của Viện. Những nghiên cứu khoa học của Viện rất đa dạng, ngoài những nghiên cứu về vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng, giải phẫu bệnh, dịch tễ học, các xét nghiệm sinh hóa, vi sinh, vệ sinh nước thực phẩm, độc chất học và sản xuất một số lọai vắc xin v.v... viện còn triển khai những nghiên cứu về bệnh thú y, tầm tang, vi nấm, bệnh phong... Ngoài ra còn có một bộ phận do Mỹ viện trợ chuyên nghiên cứu về dịch hạch, côn trùng và vi khuẩn đường ruột.

 

Các tin liên quan