Viện pasteur qua các thời kỳ
Ngày đăng: 12:50:59 12/07/2014

I. THỜI KỲ PHÁP THUỘC

Viện Pasteur Sài Gòn (nay là Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh) được thành lập năm 1891, theo ý tưởng của nhà khoa học Louis Pasteur. Hơn một thế kỷ, đất nước Việt Nam đã trải qua một chặng đường lịch sử sôi động, đầy biến cố. Qua nhiều lần, các thể chế chính trị bị đảo lộn, nhiều cái đã tiêu vong, nhưng có những sự nghiệp vẫn bền vững vượt qua thời gian, vì nó đáp ứng được những nhu cầu cơ bản của con người. Sự nghiệp của Louis Pasteur là một trong những sự nghiệp như vậy, vì đó là một sự nghiệp khoa học, một sự nghiệp phục vụ sức khỏe con người, một sự nghiệp hợp tác giữa các dân tộc vẫn tồn tại và không ngừng phát triển.

 

LOUIS PASTEUR
(1822-1895)

 

Viện Pasteur Sài Gòn là chi nhánh đầu tiên ngoài nước Pháp của Viện Pasteur Paris. Albert Calmette, một trong những học trò của Louis Pasteur được giao nhiệm vụ thành lập, tổ chức và điều hành viện đầu tiên. Trên một mảnh đất có bề dày lịch sử hàng nghìn năm, nhưng còn nghèo nàn, lạc hậu, trong một đất nước có khí hậu nhiệt đới thuận lợi cho nhiều dịch bệnh hoành hành, Albert Calmette đã khởi đầu sự nghiệp với đầy rẫy khó khăn về vật chất, kỹ thuật. Sau khi tiếp nhận một phòng thí nghiệm đơn sơ tại Viện Quân y Grall, Albert Calmette đã tiếp nhận những dụng cụ chuyên môn, hóachất… từ bên Pháp chuyển sang, đã đào tạo những nhân viên kỹ thuật đầu tiên để khai triển công việc. Với không đầy 3 năm ở Sài Gòn, ông đã khởi đầu và hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ, vừa xây dựng cơ sở vừa cải tiến kỹ thuật để làm một số xét nghiệm chẩn đoán bệnh và sản xuất được vắc xin đậu mùa, vắc xin chống bệnh dại, nghiên cứu về bệnh lý nhiệt đới, làm men rượu, sản xuất huyết thanh chống nọc rắn hổ mang. Năm 1893 ông bị bệnh nặng, phải về nước, nhưng ông đã mở đường, đặt sự nghiệp Pasteur trên một nền tảng vững chắc tại Viện Pasteur Sài Gòn.

  ALBERT CALMETTE 
(1862-1933)

Cùng thời với Albert Calmette, nhà bác học Alexandre Yersin, đồng thời cũng là một nhà thám hiểm, đã phát hiện ra cao nguyên Lâm Đồng và vi khuẩn dịch hạch (1894)
Cơ sở đầu tiên ở Grall quá nhỏ hẹp, nên Viện đã được đầu tư xây dựng cơ sở mới tại vị trí hiện nay. Từ năm 1905 Viện được đưa vào hệ thống quản lý chung do Viện Pasteur Paris phụ trách. Năm 1918, Nol Bernard được giao nhiệm vụ mở rộng hoạt động của các phòng sở ở Viện.

Năm 1925 Viện Pasteur Hà Nội, năm 1936 Viện Pasteur Đà Lạt được thành lập. Từ đây, toàn bộ các Viện Pasteur ở Đông Dương được đặt dưới sự chỉ đạo của Viện Pasteur Paris để đảm bảo chất lượng và uy tín của các nghiên cứu khoa học. Các Viện Pasteur Đông Dương bước vào thời kỳ phát triển ổn định, được đánh dấu bằng nhiều công trình khoa học trong nhiều lĩnh vực. Các nghiên cứu của 2 Viện Pasteur Sài Gòn (do Ch. Broquet, F. Noc, Denier, Nol Bernard, Bablet, Boez, Mesnard, Marneffe làm viện trưởng) và Viện Pasteur Hà Nội (do Mesnard, Genevray, Dodero làm viện trưởng) tập trung vào các bệnh kiết lỵ, dịch hạch, các bệnh có nguồn gốc từ thực phẩm, bệnh giun chỉ, sốt chấy rận, bệnh phong, đặc biệt là bệnh thổ tảvà bệnh sốt rét là 2 bệnh từ lâu gây hiểm họa đối với vùng Đông Dương, kìm hãm sự phát triển kinh tế của khu vực. Những nghiên cứu về vi trùng học, ký sinh trùng, côn trùng, sinh hóa của đất nước và con người Việt Nam được thống kê khá đầy đủ, đây là một di sản quý báu cho sự nghiệp nghiên cứu vi sinh, dịch tễ về sau.

Tiêm ngừa Dại thời Pháp
Phòng thí nghiệm thời Pháp

Năm 1939, Pháp bị phát xít Đức đánh bại và chiếm đóng nên việc đầu tư từ nước Pháp, việc trao đổi chuyên gia v.v… bị hạn chế. Nhưng nhờ có qui chế tự trị cao nên các họat Pháp của Viện Pasteur Sài Gòn vẫn được duy trì.

II. THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG PHÁP(1945 - 1954)

Năm 1945, cách mạng tháng 8 thành công, ta đã tiếp nhận một nền y tế nghèo nàn, chủ yếu ở các đô thị. Trên 90% dân số ở nông thôn hoàn toàn không có một tổ chức y tế nào phục vụ. Người dân khi bị bệnh tật phải tự lo liệu lấy bằng mọi cách kể cả các bài thuốc dân gian, thậm chí duy tâm, lạc hậu. Ở thị xã Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp hiện có một đền thờ do dân lập ra để thờ ông Câu Lãnh (Câu, gọi tắt của chữ Câu Dương, một chức quan nhỏ thời phong kiến). Tục truyền rằng thời đó, trong một vụ dịch tả hoành hành dữ dội ở địa phương làm nhiều người chết, ông Câu Lãnh đứng ra tổ chức cúng bái rồi cho nhiều người uống nước pha tàn nhang và nhiều người đã khỏi bệnh nên dân đã lập đền thờ ông. Với trình độ khoa học ngày nay, người ta có thể giải thích được vì sao người mắc bệnh tả uống nhiều nước, dù là nước lã vẫn có thể tránh khỏi tử vong. Trong bối cảnh khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu như vậy, ngay sau khi giành chính quyền, chính phủ Việt Nam đã quan tâm, tập hợp mọi nguồn lực để xây dựng ngành y tế hướng về cộng đồng, phục vụ sức khỏe nhân dân và phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Thực hiện chỉ đạo đó, các phòng vi trùng học được hình thành, ở Nam bộ có phòng vi trùng học và phòng sản xuất vắc xin tả, TAB và đậu mùa, ở Trung bộ có phòng vi trùng học và sản xuất vắc xin, ở Bắc bộ có phòng vi trùng học Việt Bắc. Theo tiếng gọi của tổ quốc, nhiều bác sĩ, y tá được đào tạo dưới thời Pháp thuộc, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, với lòng tin mãnh liệt vào lý tưởng, mục tiêu của Cách Mạng, họ đã lên đường tham gia kháng chiến, Bs. Nguyễn Văn Hưởng là một trong những tấm gương tiêu biểu đó.

BS. Nguyễn Văn Hưởng

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế

 Tuy trong điều kiện chiến tranh ác liệt nhưng việc sản xuất vắc xin không bao giờ bị gián đoạn nhờ các phòng vi trùng học ở cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Thời kỳ này ta mới chỉ sản xuất được 3 loại vắc xin: tả, thương hàn, đậu mùa đủ đáp ứng cho nhu cầu phục vụ bộ đội và nhân dân. Do việc sản xuất vắc xin được thực hiện ở trong rừng hoặc trong nhà dân nên gặp nhiều khó khăn.

Tình hình chiến sự diễn ra không thuận lợi cho Pháp nên tổ chức của Viện Pasteur cũng thay đổi theo. Năm 1952, một ban điều hành hỗn hợp Pháp - Việt được thành lập. Từ năm 1958, các Viện Pasteur Sài Gòn, Đà Lạt, Nha Trang hoàn toàn do người Việt Nam quản lý. Bs. Nguyễn Văn Ái là tổng giám đốc Việt Nam đầu tiên. Tại từng Viện lại có giám đốc riêng, Viện Pasteur Sài Gòn do Bs. Lý Thành Đáng làm viện trưởng. Do tình hình chiến sự và truyền thống Pasteur mang tính tự trị cao, Viện Pasteur Sài Gòn tập trung nhiều vào các họat động labo, xét nghiệm, sản xuất một số vắc xin, sinh phẩm để thu tiền trả lương cho nhân viên và trang trải cho các họat động của Viện. Những nghiên cứu khoa học của Viện rất đa dạng, ngoài những nghiên cứu về vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng, giải phẫu bệnh, dịch tễ học, các xét nghiệm sinh hóa, vi sinh, vệ sinh nước thực phẩm, độc chất học và sản xuất một số lọai vắc xin v.v... viện còn triển khai những nghiên cứu về bệnh thú y, tầm tang, vi nấm, bệnh phong... Ngoài ra còn có một bộ phận do Mỹ viện trợ chuyên nghiên cứu về dịch hạch, côn trùng và vi khuẩn đường ruột.

 

III. THỜI KỲ KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1954-1975)

Năm 1954, sau khi hiệp định Genève được ký kết, đất nước tạm thời chia làm 2 miền, một số cán bộ y tế miền Nam được tập kết ra miền Bắc, trong đó có một số cán bộ công tác ở phòng sản xuất vắc xin, phần lớn cán bộ y tế Nam Bộ ở lại tiếp tục bám đất, bám dân, phục vụ Cách Mạng. Trước thái độ ngoan cố, lật lọng của chính quyền Mỹ – Diệm, cuộc đấu tranh đòi thực hiện hiệp định Genève, tiến hành tổng tuyển cử, thống nhất đất nước phát triển mạnh mẽ và đều khắp ở các tỉnh, các vùng mà đỉnh cao là phong trào đồng khởi ở Bến Tre năm 1959 – 1960. Trước sự phát triển lực lượng của Cách Mạng, tổ chức y tế ở cấp khu, cấp tỉnh lần lượt được hình thành để phục vụ sức khỏe cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Ngày 20/12/1960, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, tổ chức Hội đồng Quân Dân y của Mặt Trận cũng được thành lập. Năm 1964 tách riêng hệ dân y thành Ban Dân Y Miền (có bí danh là D416, C514 và cuối cùng là BS.67) với các đơn vị trực thuộc, trong đó có Phòng Vi Trùng Học (C4) do Bs. Cao Minh Tân phụ trách. Bs. Cao Minh Tân cùng 3 bác sĩ khác trong đó có Bs. Nguyễn Hồng Sáu, Bs. Đặng Chánh Thanh, đó là những người đã từng trực tiếp tham gia sản xuất vắc xin ở bưng biền trong kháng chiến chống Pháp, năm 1954 được tập kết ra miền Bắc, cuối năm 1963 là những cán bộ đầu tiên được điều về Nam để xây dựng phòng vi trùng học và tổ chức sản xuất vắc xin phục vụ kháng chiến. Sau 6 tháng vượt Trường Sơn với bao gian lao, vất vả, các cán bộ trên đã về tới căn cứ với những trang thiết bị tối cần thiết (tài liệu chuyên môn, giống vi trùng, kính hiển vi vv...) để có thể triển khai công việc được ngay.

Những trang tài liệu chép tay đã cùng BS. Nguyễn Dũng Hiếu vượt Trường Sơn, 

về Nam tham gia xây dựng Phòng Vi Trùng Học (C4) trong kháng chiến chống Mỹ

 Chỉ trong một thời gian ngắn, vừa xây dựng căn cứ, tuyển nhân viên, vừa đào tạo cán bộ chuyên môn, tiếp liệu vật tư, lo hậu cần v.v... phòng Vi Trùng Học (C4) đã sản xuất được vắc xin đậu mùa, tả, thương hàn (1964). Những năm sau, từng bước số cán bộ của C4 được tăng cường thêm do đào tạo tại chỗ (42 người) và bổ sung từ miền Bắc vào (16 người) lực lượng cán bộ khá đầy đủ để triển khai các nội dung hoạt động, chia thành các tổ chuyên môn (A) theo mô hình Viện Vệ Sinh Dịch Tễ Hà Nội. Năm 1971, do số cán bộ được tăng cường và yêu cấu chuyên khoa sâu nên A 30 phụ trách công tác Sốt Rét được tách riêng thành C 30 (Phòng Sốt Rét) do BS. Võ Hồng An phụ trách. Ngoài hoạt động sản xuất vắc xin, còn hình thành các bộ phận dịch tễ, hóa học, tiếp liệu, bảo vệ v.v... vừa làm chuyên môn, tham gia hiến đấu, bảo vệ an toàn đơn vị, vừa sản xuất tự túc lương thực, thực phẩm. Trong hơn 11 năm hoạt động (1963 – 1975) ngoài một số hoạt động vệ sinh dịch tễ, phòng Vi Trùng Học, Ban Dân Y Nam Bộ còn sản xuất được các vắc xin tả TAB, dịch hạch tươi, đậu mùa, thương hàn, giải độc tố uốn ván, Subtilis đủ cung cấp theo yêu cầu phục vụ bộ đội và nhân dân vùng giải phóng.

Nhân viên C4 sản xuất vắc xin Tả, TAB  tại căn cứ Cí Phèn năm 1971

 

IV. THỜI KỲ ỔN ĐỊNH VÀ CỦNG CỐ (1975 - 1985)

Đầu tháng 4/1975 Bs. Nguyễn Dũng Hiếu cùng với 3 cán bộ chuyên môn của C4 được Ban Dân Y Miền cử đi tiếp quản Viện Pasteur Đà Lạt vừa mới được giải phóng.

Trung tuần tháng 4/1975 trước tình hình chiến thắng đã cận kề, Ban Dân Y Nam Bộ đã thành lập một đơn vị mới gồm đại diện của tất cả các đơn vị thành viên để chuẩn bị tiếp quản các cơ quan Y Dược của chế độ cũ ở Sài Gòn. Phòng vi trùng học được cử 2 cán bộ là Bs. Cao Minh Tân, Ks. Nguyễn Văn Kình phối hợp với 2 cán bộ của phòng sốt rét là Ys. Phạm Hải và Trần Khánh Tiên thành tổ tiếp quản Viện Pasteur Sài Gòn do Bs. Cao Minh Tân phụ trách.

Ngày 30/4/1975, khi Sài Gòn được giải phóng, Viện Pasteur Sài Gòn được chính quyền Cách mạng tiếp quản. Sáng ngày 1/5/1975, sau lễ chào cờ (lá cờ của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng), Bs. Cao Minh Tân đọc tuyên bố của Chính phủ Cách mạng về chiến thắng của lực lượng Cách mạng, sự đầu hàng vô điều kiện của Chính phủ Sài Gòn và một số chính sách của chính quyền Cách Mạng đối với vùng mới giải phóng, việc tiếp quản Viện Pasteur Sài Gòn chính thức bắt đầu. Do sự hợp tác tốt của cán bộ trong Viện với đoàn tiếp quản nên Viện Pasteur được tiếp quản gần như nguyên vẹn.
  BS. Cao Minh Tân dẫn đầu đoàn cán bộ vào Tiếp quản Viện Pasteur 30/04/1975

Những ngày sau đó, hầu hết cán bộ nhân viên của C4 được lần lượt điều về, bố trí vào các phòng, ban để tăng cường cho các bộ phận, trực tiếp tham gia các hoạt động của Viện.
Sau khi ổn định tình hình, dưới sự chỉ đạo của Bộ Y Tế Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đểhòa nhập vào hệ thống y tế toàn quốc, Viện đã dần dần chuyển giao một số nhiệm vụ cho cơ quan khác (nghiên cứu về muỗi truyền Sốt Rét sang Phân Viện Sốt Rét TP.HCM, chuyển các phòng xét nghiệm vệ sinh nước, thực phẩm, độc chất, môi trường về Viện Vệ sinh Y tế công cộng) v.v... Viện tập trung phòng vào nhiệm vụ phòng chống bệnh nhiễm khuẩn, các bệnh truyền nhiễm gây dịch, sản xuất một số vắc xin, sinh phẩm chẩn đoán, nằm trong mạng lưới các cơ sở vệ sinh dịch tễ, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chuyên trách khác hỗ trợ 15 tỉnh thành phía Nam xây dựng hệ thống y tế dự phòng. Năm 1976, Viện đổi tên thành Viện Dịch tễ học do Bs. Cao Minh Tân làm viện trưởng.

Ngay những ngày đầu Sài Gòn mới được giải phóng, Viện đã tiếp nhận và lo phân phối 3.000.000 liều vắc xin tả TAB do C4 sản xuất trong căn cứ chuyển ra để tiêm phòng cho nhân dân, chủ yếu là ở thành phố Sài Gòn và một số tỉnh lân cận. Viện tiếp tục triển khai việc sản xuất vắc xin dịch hạch tươi, vắc xin tả TAB để kịp thời phục vụ phòng chống dịch.

 

BS. CAO MINH TÂN
Viện trưởng viện Pasteur  (1975 – 1985)

Trong giai đoạn này, ngoài số nhân viên lưu dụng làm việc ở Viện Pasteur trước giải phóng (421 nhân viên, trong đó có 254 người làm về hành chính, hậu cần), Viện được tăng cường số cán bộ từ chiến khu về, nhiều cán bộ Miền Nam tập kết ra Miền Bắc nay được điều trở lại để tăng cường cho vùng mới giải phóng. Lực lượng cán bộ, nhân viên chuyên môn khá hùng hậu, được đào tạo từ nhiều nguồn: nhiều cán bộ được đào tạo ở miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa (XHCN) một số cán bộ được đào tạo ở nước ngoài (khối các nước XHCN) và cả những cán bộ được đào tạo ở các nước tư bản trước giải phóng (chủ yếu là Pháp và Mỹ). Tất cả cán bộ nhân viên của Viện đã nhanh chóng hòa nhập đảm bảo cho hoạt động của Viện được liên tục không bị gián đoạn ngày nào và nhanh chóng thích nghi với điều kiện làm việc mới. Để ổn định hoạt động cho phù hợp với cơ chế và nhiệm vụ mới, Viện đã chấn chỉnh dần dần bộ máy, giảm từ 35 phòng xuống còn 18 phòng, thành lập một số đơn vị mới như phòng miễn dịch học, phòng dịch tễ để quản lý và chỉ đạo công tác phòng chống dịch, phòng huấn luyện để đào tạo, bổ túc cán bộ chuyên khoa cho Viện và 15 tỉnh thành phía Nam, giảm bớt số nhân viên khối hành chánh, hậu cần, tăng cường cán bộ chuyên môn trung và cao cấp.

Do tình hình chính trị xã hội thay đổi, Sài Gòn, thành phố nhiệt đới, thuộc địa nhỏ bé nay đã trở thành đô thị lớn với hơn 4 triệu dân của một nước độc lập. Hơn thế nữa, đất nước sau bao nhiêu năm chiến tranh, hậu quả để lại vô cùng nặng nề, phức tạp; lại bị cấm vận bao vây kinh tế, là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Nhiều bệnh dịch bùng phát ở các vùng dân cư, đặc biệt là những vùng sâu, vùng nông thôn, vùng căn cứ cũ của Cách Mạng đòi hỏi ngành y tế, mà trước hết là y tế dự phòng phải nỗ lực phấn đấu, bung ra để xây dựng mạng lưới khắp các tỉnh thành thực hiện đường lối chính sách và chiến lược phát triển y tế là phục vụ, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe toàn dân, ngăn chặn các bệnh dịch nguy hiểm. Nhiều vụ dịch hạch xảy ra ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Sông Bé, Hậu Giang, Cửu Long, An Giang vv... dịch tả, tiêu chảy, sốt xuất huyết Dengue xảy ra ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đã được phát hiện và bao vây, dập tắt kịp thời.
Năm 1979, Viện được đổi lại tên thành Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh. Viện đã kịp thời chuyển hướng, ngoài những hoạt động truyền thống, Viện đã tập trung nghiên cứu khoa học về các bệnh truyền nhiễm gây dịch như bệnh dịch hạch, tả, SXH Dengue, viêm não Nhật Bản, bại liệt vv... và các biện pháp phòng chống dịch, góp phần làm giảm nhanh tỉ lệ mắc và chết do các bệnh dịch nguy hiểm như dịch hạch năm 1977 tỉ lệ chết/mắc là 171/5531 đến năm 1984 tỉ lệ này giảm chỉ còn 2/52; từ 13/15 tỉnh có dịch hạch (1977) xuống còn 3/15 tỉnh (1984).
 

Điều tra chuột và bọ chét trong giám sát 
dịch hạch tại Lâm Đồng

Viện đã bám sát thực địa, góp phần xây dựng hệ thống Trạm Vệ Sinh Phòng Dịch tỉnh (nay là Trung tâm y tế dự phòng) và chỉ đạo chuyên môn cho 15 tỉnh thành phía Nam. Giai đoạn này Viện được phép đào tạo và cấp bằng kỹ thuật viên trung cấp Vệ Sinh Dịch Tễ (VSDT). Trong 8 năm (1977 – 1985) Viện đã mở 7 khóa với trên 300 học viên, bổ túc cho trên 600 cán bộ, nhân viên của Viện và các tỉnh gởi về, đào tạo 182 bác sĩ sơ bộ chuyên khoa VSDT. Những cán bộ này là lực lượng nòng cốt để xây dựng và phát triển mạng lưới vệ sinh phòng dịch cho 15 tỉnh thành phía Nam. Nhiều cán bộ của Viện được cắm xuống tận cơ sở, giúp các tỉnh xây dựng phòng xét nghiệm, tham gia các hoạt động cộng đồng, hỗ trợ vật tư, kỹ thuật trong công tác phòng và chống dịch.

V. GIAI ĐOẠN ĐẤT NƯỚC BẮT ĐẦU BƯỚC VÀO THỜI KỲ ĐỔI MỚI (1985-2001)

Tháng 8/1985, Gs. Hạ Bá Khiêm, nguyên Viện trưởng Viện Vắc xin Nha Trang, được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM. Trong thời gian này, dịch SXH Dengue xảy ra ở nhiều nơi, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Nhiều ổ dịch tả, sốt bại liệt, tiêu chảy xuất hiện, nhiệm vụ đòi hỏi phải khẩn trương, tập trung dập tắt từng ổ dịch, chặn đứng sự lây lan. 
Đại hội VI của Đảng Cộng Sản Việt Nam (1986) đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước.
Quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, lãnh đạo Viện Pasteur TP.HCM hiểu rõ những khó khăn của cơ quan mình. Đặc biệt là khó khăn về trang thiết bị, nguồn cán bộ và nguồn kinh phí. Vì vậy ở giai đọan này, viện đã đẩy mạnh và tranh thủ hợp tác quốc tế theo quan điểm “đa dạng hóa, đa phương hóa”.

 

GS. Hạ Bá Khiêm
Viện trưởng Viện Pasteur Tp.HCM 
(1985 -2001)

Viện Pasteur TP.HCM từ nhiều năm đã tiếp nhận những nguồn viện trợ lớn có hiệu quả, trực tiếp hay gián tiếp từ các cơ quan của Liên Hiệp Quốc như WHO, UNICEF và các nước bạn bè, của nhiều tổ chức phi chính phủ Pháp, Thụy Sỹ như Hội hữu nghị Pháp – Việt v.v…

Năm 1986 – 1988, với sự tài trợ của hội hữu nghị Pháp – Việt, labo sản xuất vắc – xin BCG mới đã được xây dựng và trang bị lại tại Viện trên cơ sở labo BCG của Albert Calmette với sự hỗ trợ kỹ thuật của viện Pasteur Paris, tháng 4/1988 labo sản xuất vắc – xin BCG được khánh thành và đi vào hoạt động.

Gs Gheorghiu (Viện Pasteur Paris) 
và PGS.Nguyễn Thị Hội (phó viện trưởng Viện Pasteur TPHCM) trong lễ cắt băng khánh thành labo BCG, do Hội Hữu nghị Pháp-Việt tài trợ

 

Trong việc áp dụng các kỹ thuật hiện đại, cần nói tới tính chất quyết định của dự án hợp tác giữa Viện Pasteur Paris và Viện Pasteur TP.HCM vào tháng 12/1990. Chương trình hợp tác kéo dài 5 năm, khai trương vào dịp lễ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Viện. Nội dung của dự án là xây dựng một Trung tâm xét nghiệm sinh học lâm sàng lấy tên là LAM. 91 (Laboratoire d’Analyses Médicales) do chính phủ Pháp và Viện Pasteur Paris tặng giúp, một cơ sở xét nghiệm với những kỹ thuật khá hiện đại. Với tổng kinh phí hơn 16 triệu FF (trong đó vốn đối ứng của Việt nam khoảng 1,2 triệu FF). Với dự án hợp tác này, nhiều thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên môn đã được chuyển từ Pháp sang, nhiều tạp chí, tài liệu khoa học được gửi tới, hàng lọat cán bộ của Viện được đào tạo lại hoặc ở Paris hoặc tại chỗ với sự giúp đỡ của các chuyên gia Pháp.. Dự án LAM. 91 đã mang lại nhiều kết quả thiết thực, nó không những nâng cấp các phòng thí nghiệm để bắt kịp sự tiến bộ trong nghiên cứu khoa học của các Viện trên thế giới và khu vực, mà còn trực tiếp giải quyết được một phần nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam và tăng thêm nguồn thu đáng kể cho viện để nâng cao thu nhập cho cán bộ công nhân viên và trang trải các họat động của viện trong thời kỳ đổi mới. Chính tại đây, labo HIV/AIDS đã phát hiện trường hợp nhiễm HIV đầu tiên ở Việt Nam vào tháng 12/1990.

BGĐ Viện Pasteur TP.HCM tặng quà lưu niệm cho GS. DUROSOIR, Tổng đại diện
các Viện Pasteur trên thế giới, người trực tiếp chỉ đạo và xây dựng dự án LAM (30/10/2001)

Để tạo điều kiện cho y học nước nhà phát triển, tiếp cận với thành tựu y học khu vực và thế giới, tại hội nghị lần thứ IV Ban chấp hành trung ương Đảng khóa VII đã nhấn mạnh: Xây dựng và phát triển trung tâm y tế chuyên sâu (TTYTCS) để nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong thời kỳ đổi mới là một ưu tiên hàng đầu. Ngày 07/3/1997 Thủ tướng chính phủ ký quyết định số 139/TTg phê duyệt chương trình xây dựng TTYTCS thành phố Hồ Chí Minh, giai đoạn I đầu tư cho 5 đơn vị, trong đó có Viện Pasteur TP.HCM. Với kinh phí được duyệt 90 tỉ đồng, trong đó trên 60% là mua sắm trang thiết bị labo, các phòng thí nghiệm của Viện được nâng cấp về mọi mặt. Nhiều cán bộ kỹ thuật được đào tạo ở trong và ngoài nước, đủ khả năng tiếp nhận chuyển giao những kỹ thuật mới, tiên tiến, đảm bảo vận hành tốt các thiết bị và thực hiện chuẩn xác các kỹ thuật, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và hỗ trợ cho hoạt động của các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó:

Các chuyên gia của WHO đến làm việc với labo Bại liệt (phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn của WHO) Hệ thống xác định các chỉ số CD4, CD8
  • Phòng thí nghiệm vi khuẩn đường ruột được nâng cấp và cập nhật các kỹ thuật chuẩn của WHO, góp phần xác định sự không có mặt vi rút Polio hoang dại, làm cơ sở cho việc công bố thanh toán bệnh bại liệt thành công ở Việt Nam và khu vực Tây Thái Bình Dương năm 2000.
  • Chuẩn hóa các kỹ thuật xét nghiệm, đưa labo Arbo vi rút đạt chuẩn thức quốc gia và ngang tầm khu vực.
  • Hoạt động giám sát và phòng chống các bệnh dịch nguy hiểm được triển khai thường xuyên và dần đi vào nề nếp với các phương pháp ngày càng hoàn thiện. Đặc biệt là các bệnh dịch nằm trong mục tiêu chương trình quốc gia phòng chống các bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm như HIV/AIDS, tiêm chủng mở rộng, dịch hạch, SXH Dengue vv... Từ năm1998, ở các tỉnh phía Nam không phát hiện ca mắc hoặc chết do dịch hạch.
Tổ chức tiêm chủng cho trẻ tại trạm y tế xã Tổ chức chiến dịch tiêm VAT tại Lâm Đồng
  • Năm 2000, Việt nam đã được WHO công nhận thanh toán bại liệt. Chương trình tiêm chủng mở rộng khu vực phía Nam do viện trưởng làm chủ nhiệm với ban thư ký của chương trình là các cán bộ của nhóm TCMR đã đóng vai trò tích cực cho thành công này.
  • Chương trình phòng chống sốt xuất huyết dengue trở thành chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 1999, góp phần làm giảm tỉ lệ chết và mắc do SXH trên toàn quốc, đặc biệt khu vực phía Nam.

Trong giai đoạn 1996 – 2000, do sự đầu tư của Nhà nước cộng với sự nhạy bén, chủ động hợp tác quốc tế, Viện Pasteur TP.HCM đã triển khai 46 đề tài nghiên cứu khoa học tập trung vào những vấn đề như: HIV/AIDS, SXH Dengue, viêm não Nhật Bản, viêm gan, thương hàn, tiêu chảy, bại liệt, sởi, cúm, Leptospira, vi khuẩn đường ruột,Rotavirus vv... các đề tài hợp tác với các tổ chức quốc tế như ANRS (Cơ quan nghiên cứu quốc gia Pháp về HIV/AIDS), ACIP (Tổ chức các hoạt động liên Viện Pasteur trên thế giới), AIRE Développement (Tổ chức đầu tư nghiên cứu tại nước ngoài của Pháp) Trường Đại học Trois Rivires, Québec, Canada; Hợp tác với Nhật Bản (Đại học Tokyo, AAR, NIID), CDC (Hoa Kỳ), NIH (Viện nghiên cứu sứckhỏe Hoa Kỳ), US NAMRU 2 (đơn vị nghiên cứu y học hải quân Mỹ) SLCD (Ủy ban hỗ trợ và hợp tác Bỉ.

 

Tổ chức chiến dịch 
phòng chống SXH tại cộng đồng

 

VI. GIAI ĐOẠN ĐẤT NƯỚC BƯỚC VÀO THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA (năm 2002)

Tháng 12/2001, Ts. Nguyễn Thị Kim Tiến, một cán bộ trẻ, được đào tạo hệ thống và trưởng thành trong các hoạt động thuộc hệ y tế dự phòng được bổ nhiệm làm viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM. Kế thừa truyền thống và những thành tựu đã đạt được qua nhiều năm phấn đấu, tập thể lãnh đạo trẻ của Viện cùng toàn thể cán bộ nhân viên trong cơ quan tiếp tục phấn đấu, xây dựng Viện Pasteur TP.HCM thành một trung tâm y tế chuyên sâu, đầu ngành về y học dự phòng của khu vực phía Nam ngang tầm với các Viện trong khu vực thế giới.

 

PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến
Viện trưởng viện Pasteur
(2001 – 2007)


Sự chuyển đổi và phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam đã thúc đẩy sự giao lưu trong và ngoài khu vực, cùng với sự biến đổi khí hậu toàn cầu đã góp phần làm lan truyền các bệnh truyền nhiễm và phát sinh những bệnh mới. Bước vào những năm đầu thế kỷ XXI, cùng với nhiều nước, Việt Nam đã phải đương đầu với sự bùng phát của bệnh SARS, viêm phổi cấp do vi rút cúm A/H5N1, viêm não do enterovirus... Sau 5 năm nỗ lực phấn đấu, những thành tựu cơ bản đạt được trong gian đoạn này là:

a) Về nghiên cứu vi sinh, miễn dịch, sinh học phân tử và dịch tễ học các bệnh nhiễm trùng:

Lần đầu tiên tại Việt Nam phát hiện vi rút entero 71 gây bệnh chân-tay-miệng và Viêm não cấp ở trẻ em (tháng 7/2003).

Giám sát và phát hiện vi rút cúm A/H5N1 gây bệnh viêm phổi cấp trên người trong vụ dịch 2003 – 2004.

 

 

 

Sử dụng máy phân tích trình tự gene tự động (automated sequencer) Beckman Coulter 8 mao quản

  • Lần đầu tiên tại Việt Nam, Viện Pasteur TP.HCM đã giải mã hoàn chỉnh bộ gien vi rút cúm H5N1.

Nghiên cứu dịch tễ học phân tử các vi rút DEN-4 Việt Nam, 1997-2002

  • Nghiên cứu các đặc tính di truyền của người tác động lên độ nặng nhẹ của SXH dengue.
  •  
  • Nghiên cứu các yếu tố bảo vệ tự nhiên với HIV ở nhóm người có nguy cơ cao, tỉ lệ kháng retrovirus trong điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con, thử nghiệm một số phác đồ điều trị nhiễm trùng cơ hội trên bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS (đề tài cấp Bộ do PGS. TS Trương Xuân Liên làm chủ nhiệm).
  •  
  • Nghiên cứu sự phân bố và cơ chế lây truyền một số gen kháng thuốc.
  • Phát triển công nghệ sinh học: đã sản xuất được nhiều dạng sinh phẩm chẩn đoán như kit Mac-ELISA dùng trong chẩn đoán Dengue và Viêm não Nhật Bản, bộ kit LEPTOMAT ứng dụng trong thú y để chẩn đoán nhiễm Leptospira, bộ sinh phẩm định lượng alphaprotein (AFP – nano) ứng dụng trong sàng lọc dị tật thai trước sinh và chẩn đoán ung thư gan nguyên phát; quy trình tạo huyết thanh kháng độc tố các độc tố rắn hổ mang, rắn mai gầm.

 

Hệ thống máy sắc ký tinh chế Protein
Hệ thống máy ủ và máy rửa ELISA dùng định lượng Alpha-feto proteine
  • Nghiên cứu và phát hiện sớm các tác nhân gây dịch mới nổi như: SARS, Cúm H5N1, vi rút gây viêm não Entero 71, sốt xuất huyết dengue, viêm não Nhật Bản, HIV/AIDS, thương hàn, Hanta vi rút, Nipas vi rút.
  • Giải mã hoàn chỉnh gen vi rút cúm gà H5N1 gây bệnh trên người, gia cầm (Đề tài cấp Bộ do TS. Cao Bảo Vân làm chủ nhiệm)

 

Các tin liên quan