Bệnh quai bị
Ngày đăng: 15:22:27 27/06/2014
Quai bị là bệnh truyền nhiễm gây ra do vi rút. Còn gọi là viêm tuyến nước bọt mang tai.

CÂU HỎI VỀ BỆNH QUAI BỊ

  1. Bệnh quai bị là gì?

Quai bị là bệnh truyền nhiễm gây ra do vi rút. Còn gọi là viêm tuyến nước bọt mang tai.

  1. Đối tượng dễ mắc bệnh là ai?

Những người chưa từng mắc bệnh quai bị hoặc chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.

Bệnh quai bị thường gặp ở trẻ mới lớn từ 5 đến 9 tuổi với bệnh cảnh nhẹ. Bệnh cũng có thể gặp ở người lớn, khi đó nhiều biến chứng nguy hiểm sẽ xảy ra như viêm màng não, viêm tinh hoàn. Ở vùng có tiêm vắc xin thì bệnh thường gặp ở trẻ lớn hơn là trẻ nhỏ.

  1. Bệnh quai bị lây truyền thế nào?

Vi rút quai bị có ở mọi nơi trên thế giới. Nó lây truyền sang người lành qua những giọt nhỏ không khí khi người mang mầm bệnh ho, hắt hơi hoặc do tiếp xúc trực tiếp với người mang mầm bệnh.

  1. Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh là gì?

Khoảng 1/3 trẻ nhiễm vi rút quai bị không có triệu chứng. Triệu chứng thường xuất hiện từ ngày thứ 14 đến ngày thứ 21 sau khi nhiễm trùng.

Các triệu chứng thường gặp như: sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn, sưng tuyến nước bọt dưới tai hoặc dưới hàm ở 1 hoặc cả 2 bên. Thời gian kéo dài các triệu chứng này từ 7 đến 10 ngày.

Người bị quai bị có thể lây nhiễm cho người khác trước và sau 5 ngày khi có dấu hiệu sưng tuyến mang tai.

  1. Biến chứng của bệnh là gì?

Biến chứng của bệnh quai bị ít gặp nhưng có thể nghiêm trọng.

Đối với những người là thanh niên, nam giới có thể bị viêm tinh hoàn 1 hoặc 2 bên, nữ giới có thể bị viêm buồng trứng.

Viêm não, viêm màng não và điếc là những biến chứng hiếm gặp nhưng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi.

  1. Điều trị bệnh quai bị thế nào?

Không có điều trị đặc hiệu.

  1. Phòng bệnh như thế nào?

Sau khi khỏi, người bệnh thường có miễn dịch suốt đời. Vắc xin cũng rất an toàn và hiệu quả cao. Vắc xin thường tiêm phối hợp sởi và rubella (MMR).

Đối với người đang bị bệnh quai bị cần:

  • Hạn chế tiếp xúc gần với người khác
  • Nghỉ ngơi tại nhà ít nhất 5 ngày sau khi sưng tuyến nước bọt
  • Che mũi, miệng khi ho hoặc hắt hơi
  •  Rửa tay sạch bằng xà phòng
  • Không dùng chung các vật dụng ăn, uống
  • Thường xuyên lau chùi các bề mặt tiếp xúc bằng xà phòng.
Các tin liên quan