Bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc xác ki
Ngày đăng: 16:22:39 31/10/2014
Bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

BỆNH VIÊM HỌNG, VIÊM MIỆNG, VIÊM TIM DO VI RÚT CỐC-XÁC-KI (Maladus Coxsackieviruso)

Bệnh viêm họng, viêm miệng, viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm

  1. Đặc điểm của bệnh: Vi rút Cốc-xác-ki là nguyên nhân của một nhóm bệnh bao gồm viêm họng (Herpangia, Enteroviral vesicular pharyngitis), tay chân miệng (đã có bài riêng), viêm tim (Enteroviral carditis).

1.1. Định nghĩa ca bệnh:

- Ca bệnh lâm sàng:

       Viêm họng do vi rút Cốc-xác-ki

       + Sốt.

       + Đau họng.

       + Các nốt mụn sẩn 1-2 mm trên nền hồng ban ở yết hầu, vòm miệng mềm, lưỡi gà, amidan.

       Viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki

       + Sốt.

       + Ngủ lịm.

       + Suy tim (tím tái, khó thở, mạch nhanh, tim to)

            Suy tim có thể tiến triển đến tử vong hoặc hồi phục sau vài tuần. Có thể tái phát nhiều lần khiến tim bị tổn thương.

               Ở thanh niên, thường có biểu hiện viêm màng tim với triệu chứng đau ngực cấp tính, rối loạn nhịp tim, khó thở.

- Ca bệnh xác định:

Phân lập vi rút từ nước súc họng, mẫu phân, phết mũi họng

Tăng hiệu giá kháng thể đặc hiệu

1.2. Chẩn đoán phân biệt: Khác với bệnh tay chân miệng, viêm họng do vi rút Cốc-xác-ki không có viêm nướu.

1.3. Xét nghiệm

- Loại mẫu bệnh phẩm: nước súc họng (trong vài ngày đầu), mẫu phân (trong vài tuần đầu). Trong viêm tim, vi rút Cốc-xác-ki nhóm B có thể tìm thấy trong dịch màng tim và mô cơ tim.

- Phương pháp xét nghiệm: Xem bài bệnh tay-chân-miệng.

  1. Tác nhân gây bệnh.

2.1. Tên tác nhân Coxsackievirus.

- Viêm họng: do nhóm A, týp 1-10, 16, 22

- Viêm tim: do nhóm B, týp 1-5. Đôi khi còn do nhóm A, týp 1, 4, 9, 16, 23.

2.2. Hình thái:

- Xem bài bệnh tay-chân-miệng.

2.3. Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài:

- Xem bài bệnh tay-chân-miệng.

  1. Đặc điểm dịch tễ học

3.1. Viêm họng: Thấy ở nhiều nơi trên thế giới, có thể tản phát, có khi bộc phát thành dịch (ở nhóm tuổi nhà trẻ). Tỉ lệ mắc cao vào cuối hè, đầu thu. Thường xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi, nhất là nhóm tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Nhưng cũng có thể thấy ở thanh niên.

3.2. Viêm tim:

- Ít gặp, thường có tính tản phát nhưng có xu hướng gia tăng khi có dịch nhiễm vi rút Cốc-xác-ki nhóm B. Những vụ dịch với tỉ lệ chết/mắc cao ở trẻ sơ sinh được ghi nhận ở một số nhà hộ sinh, khoa sản bệnh viện.

- Viêm tim do vi rút Cốc-xác-ki nhóm B chiếm khoảng 1/3 số ca viêm cơ tim cấp. Hầu hết những ca viêm cơ tim hay màng tim xảy ra ở trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên. Khoảng 2/3 bệnh nhân là giới nam.

  1. Nguồn truyền nhiễm.

- Ổ chứa: người bệnh, người lành mang trùng.

- Thời gian ủ bệnh: 3 – 5 ngày (viêm loét họng)

- Thời kỳ lây truyền: suốt giai đoạn cấp của bệnh và có thể kéo dài lâu hơn vì vi rút còn tồn tại trong phân trong nhiều tuần.

  1. Phương thức lây truyền: Qua tiếp xúc trực tiếp với dịch mũi họng và phân của người bị nhiễm, những giọt khí dung. Không có bằng chứng về việc lây bởi côn trùng, nước, thực phẩm.
  2. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Ai cũng có thể nhạy cảm với vi rút Cốc-xác-ki. Sau khi nhiễm, sẽ có miễn dịch đối với týp vi rút đặc hiệu nhưng không rõ thời gian kéo dài bao lâu. Có thể bị nhiễm lại bởi vi rút Cốc-xác-ki thuộc týp khác.
  3. Các biện pháp phòng, chống dịch.

7.1. Biện pháp dự phòng.

7.1.1. Tuyên truyền giáo dục sức khỏe: Giáo dục cho cộng đồng nhất là nhân viên nhà trẻ, mẫu giáo về tầm quan trọng của rửa tay, dùng riêng các vật dụng cá nhân.

7.1.2. Vệ sinh phòng bệnh:

- Giảm tiếp xúc với người khác (tránh tụ họp đông người).

- Tăng thông khí

- Rửa tay

7.2. Biện pháp chống dịch.

- Tổ chức: Báo cáo theo qui định

- Chuyên môn:

+ Xử lý bệnh nhân: do khả năng bệnh nặng ở trẻ sơ sinh, trẻ mới sinh ở nhà hộ sinh, nếu nghi ngờ nhiễm bệnh cần được chăm sóc tích cực.

+ Quản lý người mang trùng, người tiếp xúc: Việc điều tra người tiếp xúc không có giá trị thực tiễn, trừ khi muốn phát hiện thêm những ca khác trong nhóm trẻ em nhà trẻ. Trong trường hợp bệnh viêm cơ tim, những người nghi ngờ nhiễm vi rút Cốc-xác-ki (kể cả nhân viên y tế) không được đến thăm nhà hộ sinh, khoa sản bệnh viện và cũng tránh tiếp xúc trẻ sơ sinh hoặc thai phụ gần ngày sinh.

+ Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: hiện nay chưa có vắc xin.

+ Xử lý môi trường: xử lý dịch tiết đường hô hấp, phân, vật dụng bị nhiễm phân hoặc dịch tiết đường hô hấp. Rửa tay sau khi xử lý các chất này.

7.3. Nguyên tắc điều trị: Chủ yếu là điều trị triệu chứng. Trong trường hợp viêm tim, cần chăm sóc hỗ trợ tích cực.

7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Bệnh nhiễm vi rút Cốc-xác-ki không nằm trong danh mục kiểm dịch y tế.

 

Các tin khác