Hỏi đạp về bệnh cúm A/H5N1
Ngày đăng: 15:59:07 26/06/2014

HỎI ĐÁP VỀ BỆNH CÚM A/H5N1 

1. Xin cho biết mức độ nguy hiểm đối với sức khoẻ con người khi bị nhiễm  virus cúm A/H5N1?. 

  • Virus  cúm A/H5N1 có khả năng gây nhiễm rất cao. Lần đầu tiên tìm thấy qua vụ dịch cúm  ở Hồng Kông vào năm 1997. Virus cúm A/H5N1 được phát tán môi trường bên ngoài  qua nước bọt, dịch mũi, phân và trong các tế bào niêm mạc ruột non của một số  loài chim di cư. Virus có thể gây đột biến gien mạnh và trở thành những chủng  virus có độc tính rất cao. 
  • Một  người bị mắc bệnh cúm gà thường có liên quan đến tiếp xúc, chăm sóc thủy cầm,  gia cầm, chim cảnh. Hoặc liên quan đến các khâu giết mổ, ăn thịt hoặc các sản  phẩm chế biến từ thịt gia cầm, thủy cầm bị bệnh cúm gà. 
  • Tại  Việt Nam, ca mắc cúm gia cầm H5N1 xuất hiện đầu tiên vào năm 2003 (Tính từ 2004  đến 2013 có 35 ca mắc cúm A/H5N1 tử vong 29 ca), biến chủng virut cúm này đã  biến đổi thành một chủng có độc lực mạnh, tỷ lệ tử vong cao, có thời điểm đến  100%. Nguy hiểm nhất của bệnh cúm gà là khi lây sang người có thể gây viêm phổi  cấp tính, tổn thương đa tạng, tỷ lệ tử vong cao. 

2. Người bị nhiễm bệnh này có biểu hiện thế nào? Những triệu chứng dễ nhận  biết nhất khi nhiễm phải virus này? 

  • Tiền sử bệnh: đã từng tiếp xúc với bệnh nhân bị bệnh  cúm gia cầm, gia cầm bị bệnh, hoặc đã từng ở khu vực đang lưu hành bệnh dịch  cúm gia cầm trong vòng 7 ngày. 
  • Biểu hiện bệnh: bệnh diễn biến cấp tính và có thể có  các biểu hiện sau đây:   
    • Sốt  trên 38 0C, có thể rét run.   
    • Ho,  thường ho khan, đau ngực, ít gặp triệu chứng viêm long đường hô hấp trên... Khó  thở, thở nhanh, tím tái.   
    • Các  triệu chứng khác: Đau đầu, đau cơ, tiêu chảy, rối loạn ý thức, suy đa tạng. 

Ca bệnh xác định: Xét nghiệm dương tính với cúm A/H5N1 

3. Xin cho biết làm thế nào để phòng lây nhiễm cúm A/H5N1 hiệu quả nhất? ( vệ  sinh, ăn uống, tăng cường sức khoẻ để nâng sức đề kháng, hạn chế tiếp xúc với  nguồn bệnh...).

Để  chủ động phòng chống bệnh cúm, mọi người cần thực hiện 4 biện pháp sau:

Vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn  uống: 

  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân hằng ngày; 
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng,  che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Có thể ho vào tay áo nếu không có khăn giấy; 
  • Vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở,  lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hoá chất sát khuẩn  thông thường. 
  • Không sử dụng thịt và các sản phẩm  từ súc vật mắc bệnh; nguồn thực phẩm không rõ nguồn gốc. 
  • Thịt gia cầm, sản phẩm từ gia cầm  (trứng) và thịt lợn là thực phẩm an toàn miễn là được nấu chín kỹ và xử lý đúng  cách trong quá trình chuẩn bị thức ăn. 
  • Không ăn thức ăn chưa được nấu  chín, không ăn tiết canh. Nên nấu chín thịt gia  cầm cho đến khi phần thịt bên trong không  còn màu hồng và không để lẫn thịt đã nấu  chín với thịt sống; 
  • Rửa sạch các dụng cụ nấu ăn đã chạm  vào thịt sống trước khi sử dụng lại những dụng cụ đó.

Hạn chế sự tiếp xúc với nguồn bệnh: 

  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh, súc  vật mắc bệnh; 
  • Khi cần thiết phải tiếp xúc với  người bệnh, súc vật mắc bệnh phải đeo khẩu trang y tế, đeo kính, mũ, áo; Thường  xuyên rửa tay bằng xà phòng; 
  • Những người mắc bệnh mạn tính, phụ  nữ mang thai, người già, trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.

Biện pháp tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh: 

  • Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn  uống, nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể. 
  • Những người thường xuyên tiếp xúc  với nguồn bệnh, làm việc ở các nơi có dịch cúm trên súc vật, cần thực hiện các  biện pháp dự phòng cá nhân.

Khi có biểu hiện viêm đường hô  hấp cấp như:

Sốt  cao, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, đau họng, ho; Cần đến ngay các cơ sở y tế gần  nhất để được khám và điều trị kịp thời.

“ĐỂ NGĂN NGỪA CÚM A/H5N1 CHO TẤT CẢ CÁC THÀNH VIÊN TRONG GIA  ĐÌNH,QUAN TRỌNG KHÔNG GIẾT MỔ, ĂN GIA CẦM BỆNH, KHÔNG TIẾP XÚC VỚI KHU VỰC CÓ  DỊCH”.

KHÔNG CHỦ QUAN VÀ KHÔNG HOẢNG HỐT:

Có 03 điều kiện để một virus có  thể gây dịch lớn: 

  • Đột biến thành virus mới. 
  • Có khả năng tái tạo trong người. 
  • Có khả năng lây từ người sang người.

Cho  đến nay chưa có bằng chứng cho thấy virus cúmA/ H5N1 có khả năng lây từ người  sang người còn hai điều kiện trên thì đã hội đủ.

Thông điệp 5 không: Không giết mổ, không  ăn, không vận chuyển, không mua bán gia cầm bệnh/ chết và không vứt xác gia cầm bệnh, chết xuống sông  rạch.

4. Nếu trong gia đình có người mắc bệnh này thì nên làm gì để tránh lây bệnh  cho người trong gia đình và cộng đồng?

Đối với bệnh nhân: 

  • Những  người đã được xác định hoặc nghi ngờ mắc cúm A/H5N1 phải được cách ly tại bệnh  viện. Các chất thải của bệnh nhân nhất là chất nôn, đờm rãi... phải chứa trong  bô có nắp đậy kín và khử khuẩn triệt để bằng Chloramin B. 
  • Hạn  chế tối đa việc vận chuyển bệnh nhân ra khỏi buồng bệnh và khu vực cách  ly.  Người bệnh phải luôn mang khẩu trang y tế trong thời gian điều trị  cũng như khi di chuyển trong bệnh viện. 
  • Trường  hợp đặc biệt phải chuyển bệnh nhân ra khỏi khu vực cách ly cần sử dụng xe cứu  thương chuyên dụng. Người bệnh và nhân viên hộ tống, lái xe phải có trang bị  phòng hộ. 
  • Phương  tiện vận chuyển và xe sau đó phải được khử khuẩn trước khi sử dụng lại.
        Các chất thải trong quá trình điều trị, chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân cúm  A/H5N1 phải được xử lý như các chất thải y tế nguy hại.

Đối với người tiếp xúc. 

  • Những  người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân cúm A/H5N1 hoặc gia cầm bị bệnh được lập  danh sách theo dõi 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối đối với người lớn, 21  ngày đối với trẻ em dưới 15 tuổi và phải được đo nhiệt độ hàng ngày. Nếu nhiệt  độ trên 38 0C hoặc có các biểu hiện lâm sàng của bệnh viêm đường hô  hấp cấp phải đến ngay cơ sở y tế để kiểm tra. 
  • Những  người được cách ly theo dõi nên bố trí nơi ăn ngủ riêng, hạn chế đi lại, tiếp  xúc, thường xuyên mang khẩu trang y tế và sử dụng thuốc sát khuẩn mũi họng hàng  ngày. 
  • Tại  gia đình, nơi tạm trú hoặc khu vực ổ dịch cần thực hiện triệt để việc khử khuẩn  bề mặt bằng Chloramin B 2% hoặc xử lý không khí bị ô nhiễm bằng fomaline. 
  • Người  tiếp xúc hoặc giết mổ gia cầm phải được trang bị phòng hộ. 
  • Những  người có tiếp xúc với nguồn lây nhiễm trong khu dịch thực hiện tốt phòng hộ cá  nhân hàng ngày, đặc biệt đeo mang khẩu trang và rửa tay thường xuyên. 

5. Trường hợp khu vực mình ở có dịch cúm gia cầm thì nguy cơ lây lan virus  cúm gia cầm sang người thế nào? 

  • Về  lý thuyết, mọi người đều có khả năng cảm nhiễm với vi rút cúm A/H5N1. Tuy  nhiên, vì là vi rút của loài chim và gia cầm nên khả năng gây bệnh, lan truyền ở  người là rất thấp. Trong hàng trăm týp vi rút cúm gia cầm, hiện chỉ có các chủng  được biết là gây bệnh ở người, đó là H5N1, H7N3, H7N7, H7N9 và H9N2. Nhìn  chung, người thường mắc thể nhẹ, rất ít khi bị nặng trừ khi nhiễm H5N1. Trên thực  tế, khả năng lây nhiễm vi rút cúm A/H5N1 là rất khác nhau. Nhiều người cùng bị  phơi nhiễm với vi rút cúm A/H5N1 nhưng chỉ có một số rất ít người mắc bệnh. 
  • Hiện  nay, người ta chưa biết rõ yếu tố nào làm tăng cảm nhiễm với vi rút. Một số người  cho rằng yếu tố cơ địa hay yếu tố kháng nguyên phù hợp tổ chức đóng vai trò  quan trọng đến tính cảm nhiễm với bệnh. 
  • Trên gia cầm:  Tính ngày 22/02/2014, hiện dịch cúm gia cầm đã lan ra 17 tỉnh thành trên cả nước  (theo Cục Thú Y -Bộ NN&PTNT) 
  • Trên người: Việt Nam là nước có số  người bị nhiễm bệnh cúm A/H5N1 và tử vong cao thứ 2 trên thế giới (sau  Indonexia) 
  • Dự báo nguy cơ đại dịch cúm: cùng  với quá trình bùng phát các ổ dịch cúm A(H5N1) trên diện rộng thì số trường hợp  có xác nhận nhiễm cúm ở người là tương đối cao. Điều này cảnh báo về nguy cơ có  thể xảy ra đại dịch cúm ở người và dịch cúm gia cầm sẽ trở thành thảm họa cho  cả cộng đồng quốc tế. 
  • Trong trường hợp dịch bệnh xảy ra,  các tác động sau sẽ phụ thuộc và liên quan chặt chẽ đến nhau, cụ thể: Hậu  quả của bệnh tật và tử vong; Sự ứng phó của khu vực tư nhân; Sự ứng phó của  quốc gia... 

6. Từ đầu năm 2014 đến nay, Viên Pasteur TP. HCM có ghi nhận trường hợp nhiễm  cúm A/H5N1 nào ở khu vực phía Nam hay chưa? Đánh giá nguy cơ xảy ra dịch cúm  này ở khu vực phia Nam thế nào? 

  • Tính  đến thời điểm 18/2/2014, khu vực phía Nam ghi nhận 02 ca nhiễm đều tử vong do  cúm A/H5N1,qua kết quả điều tra dịch tễ học, đều có liên quan đến việc tiếp  xúc, ăn thức ăn từ gia cầm bị bệnh. 
  • Nguy cơ  xảy ra dịch cúm A/H5N1 ở khu vực có thể xảy ra, vì vi rút cúm gia cầm là vi rút  có độc lực cao, và lây nhiễm sang người với nhiều nguyên nhân: 
    • Vi rút cúm A/H5N1 lưu hành chủ yếu trên các loài  chim và thủy cầm nên rất khó kiểm soát, phát hiện. Cộng thêm thói quen của  người chăn nuôi thả rong, chạy đồng. 
    • Sự chênh lệch giá cả trên thị trường khiến một số  lượng lớn gà nhập lậu từ miền Nam của Trung quốc vào Việt Nam. Qua giám sát  virus cúm A của thú y cho thấy chủng vi rút cúm gia cầm mới xuất hiện ở Việt  Nam là rất tương đồng với chủng vi rút đang lưu hành ở Trung Quốc. 
    • Buôn bán vận chuyển gia cầm tự do không kiểm soát  được cũng là nguyên nhân làm lây lan dịch. 
    • Chăn nuôi gia cầm   ở quy mô nhỏ và gắn với hộ gia đình, cộng với thiếu hiểu biết, ý thức  bảo vệ sức khỏe cộng đồng nên việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa cúm cho  gia cầm, thủy cầm, xử lý khi có dịch bệnh trên gia cầm, thủy cầm rất hạn hẹp,  vì vậy rút cúm gia cầm lây sang người là rất lớn. 
    • Tại nhiều địa phương, bà con vẫn nuôi gia cầm xen  lẫn với các động vật khác như lợn, đã tạo cơ hội cho virut có thể trao đổi gen  và đột biến tạo nên chủng virut mới. Virut cúm A thường xuyên thay đổi nên tiềm  ẩn nguy cơ lây truyền từ gia cầm sang người và nguy cơ lây truyền từ người sang  người. Tất cả những điều này khiến cho nguy cơ mắc cúm A(H5N1) trên người là  rất cao tại một số tỉnh có cúm gia cầm, thủy cầm. 
    • Dịch cúm gia cầm xảy ra liên tục và việc xử lý  không triệt để các ổ dịch nhỏ, lẻ khiến cho vi rút phát tán rộng ra môi trường. 
    • Việc giết mổ gia cầm cá lẻ nên người giết mổ dễ bị  lây nhiễm bệnh, phát tán ra cộng đồng. 
    • Thói quen ăn tái, ăn tiết canh vịt, ngan… là rất  nguy hiểm. 
    • Những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ nhiễm vi rút  cúm gia cầm, nhưng không có triệu chứng lâm sàng làm cho nguy cơ lây lan trong  cộng đồng là rất lớn. 
    • Cộng đồng chưa có miễn dịch chủ động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 

  • Bệnh  truyền nhiễm – ĐH Y Dược Tp. HCM - Nhà xuất bản y học 2006.
  • Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm 2009/BYT  trang 18,19 
  • QĐ số 30/2008/QĐ-BYT Hướng dẫn chẩn  đoán, xử trí và phòng lây nhiễm cúm A/H5N1 ở người. 
  • QĐ 1812/QĐ-BYT ngày 23/5/2005 Quy trình  xử lý ổ dịch cúm A/H5N1 
  • Số  liệu thống kê Bệnh Truyền Nhiễm  khu vực  phía nam – Viện Pasteur Tp HCM  
  • http://www.who.int/influenza/human_animal_interface/avian_influenza/h5n1_research/faqs/en/ 
  • Word  health Organization Outbreak communication Planning Guide – 2008 
  • Communication For Behavioural Impact (COMBI) -  A Toolkit For Behavioural and Social Communication in Outbreak Reponse – Unicef  – WHO /HSE/GGR/2012 – 13. 
  • Hướng dẫn cán bộ tổ chức tập huấn về  Truyền thông nguy cơ trong tình trạng khẩn cấp về Y tế Công cộng.
Các tin liên quan