BỆNH THỦY ĐẬU VÀ VẮC-XIN PHÒNG NGỪA
Ngày đăng: 19:55:50 05/04/2024

BỆNH THỦY ĐẬU VÀ VẮC-XIN PHÒNG NGỪA

Tác giả: Bs CK1. Lâm Mỹ Linh
Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh
1. Bệnh thủy đậu là gì?
Thủy đậu (hay còn gọi là trái rạ) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút Varicella Zoster, thuộc họ Herpesviridae, gây nên. Vi-rút có vỏ bọc lipid và vật chất di truyền là DNA.
Vi-rút gây bệnh thủy đậu ở người mới mắc lần đầu và Zona ở người lớn tuổi, suy giảm miễn dịch đã từng bị thủy đậu trước đây.
2. Bệnh biểu hiện như thế nào?
Các biểu hiện của thủy đậu bao gồm sốt, nhức mỏi, chán ăn, đau đầu, đau cơ, kèm với nổi hồng ban bóng nước ở da và niêm mạc (miệng, mắt, tiết niệu,…). Các bóng nước này gây ngứa khi nổi ở da, và gây đau nếu nổi ở niêm mạc.
Vị trí các bóng nước thường bắt đầu ở vùng đầu mặt và trục cơ thể, sau đó lan ra toàn thân. Các bóng nước có đường kính 3-10mm, chứa dịch trong, sau 24 giờ hóa đục, nhiều lứa tuổi (có bóng nước mới mọc xen kẽ bóng đã hóa đục và bóng nước đã đóng mày hay bong vảy).
3. Vi-rút gây bệnh thủy đậu lây lan như thế nào?
Thủy đậu có khả năng lây lan cao thành dịch, với hệ số lây nhiễm cơ bản Ro = 9-10 (tức là 1 người bị nhiễm thủy đậu có thể lây bệnh cho trung bình 9-10 người khác chưa có miễn dịch với thủy đậu). Sau khi tiếp xúc với người bị thủy đậu, khả năng lây nhiễm có thể lên đến 90%.
Thủy đậu lây trực tiếp từ người sang người thông qua các giọt bắn đường hô hấp (nước bọt, dịch tiết mũi) khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi, hoặc khi nói chuyện. Ngoài ra, bệnh có thể lây thông qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ bóng nước thủy đậu, hoặc gián tiếp thông qua việc cầm nắm các vật dụng có dính dịch tiết từ bóng nước thủy đậu.
Sau khi nhiễm thủy đậu, vi-rút Varicella Zoster có thể ẩn vào trong các tế bào hạch thần kinh cảm giác và nằm ở trạng thái không hoạt động. Khi người nhiễm lớn tuổi hoặc khi hệ thống miễn dịch suy yếu, vi-rút sẽ tái hoạt động, gây nên bệnh Zona (giời leo) với các sự tái xuất hiện các bóng nước kèm ngứa, đau, nóng rát dữ dội. Bệnh nhân Zona có thể lây vi-rút Varicella Zoster cho những người chưa từng bị hoặc chưa tiêm ngừa thủy đậu, thông qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết bóng nước hoặc thông qua việc hít phải các phần tử vi-rút trong bóng nước. Những người bị lây nhiễm sẽ bị bệnh thủy đậu.
4. Bao lâu sau khi tiếp xúc với vi-rút thủy đậu thì các triệu chứng sẽ xuất hiện và chúng kéo dài bao lâu?
Bệnh nhân thủy đậu có khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh từ 1-2 ngày trước khi bệnh nhân phát ban cho đến khi tất cả sang thương thủy đậu đã đóng mày (thường 4-7 ngày sau ban).
Thời gian từ khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu đến khi có triệu chứng là 10-21 ngày, trung bình khoảng 14-16 ngày.
Triệu chứng thường kéo dài từ 7-10 ngày.
5. Vi-rút thủy đậu tồn tại bên ngoài cơ thể bao lâu?
Vi-rút dễ bị bất hoạt bởi các chất hòa tan lipid, chất tẩy rửa, protease, tia UV trong ánh sáng mặt trời.
Vi-rút bị bất hoạt ở nhiệt độ trên 600C. Ở môi trường ngòai cơ thể, vi-rút tồn tại từ vài giờ đến 2 ngày.
6. Bệnh thủy đậu nghiêm trọng như thế nào?
Bệnh thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có tốc độ lây lan rất nhanh.
Bệnh thường diễn tiến lành tính và bệnh nhân thường hồi phục hoàn toàn. Việc nhiễm thủy đậu ở trẻ nhỏ thường diễn tiến lành tính, trong khi nhiễm thủy đậu ở trẻ nhũ nhi, thanh thiếu niên, người lớn, người suy giảm miễn dịch có tỷ lệ diễn tiến nặng, biến chứng và tử vong cao hơn.
Các bóng nước thủy đậu có thể bội nhiễm vi trùng (do người bệnh ngứa và cào gãi), gây nhiễm trùng da và tạo sẹo sâu ảnh hưởng thẩm mỹ. Ngoài ra thủy đậu còn gây nên các biến chứng nặng khác như viêm phổi nặng, viêm não- màng não, viêm khớp... có thể dẫn đến tử vong. Các biến chứng này nặng này hay gặp ở trẻ nhỏ, thai phụ, người bị các bệnh suy giảm miễn dịch hoặc dùng thuốc ức chế miễn dịch.
Riêng phụ nữ mang thai nếu nhiễm thủy đậu có thể gia tăng tần suất sảy thai, sanh non và đặt biệt là dị tật cho thai nhi. Nếu mẹ bị thủy đậu trong giai đoạn đầu thai kỳ (đặc biệt trong giai đoạn 13-20 tuần thai), thai nhi có thể bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh (2%), với các bất thường và dị tật bẩm sinh như sẹo da, thiểu sản chi, đục thủy tinh thể, chậm phát triển trí tuệ, tật đầu nhỏ…. Nếu mẹ bị thủy đậu trong vòng 5 ngày trước và 2 ngày sau sinh, trẻ có thể bị thủy đậu sơ sinh, với tình trạng nhiễm trùng nặng, tổn thương các cơ quan, đặc biệt là phổi, có nguy cơ tử vong cao (30%).
7. Ai có nguy cơ mắc bệnh thủy đậu?
Tất cả những người chưa có bằng chứng miễn dịch với Thủy đậu (chưa bị Thủy đậu, chưa tiêm ngừa thủy đậu hoặc tiêm không đủ liều) đều có nguy cơ mắc bệnh.
Nhóm trẻ nhũ nhi, phụ nữ mang thai, người suy giảm miễn dịch hoặc đang sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch nếu mắc thủy đậu sẽ có nguy cơ diễn tiến nặng, biến chứng và tử vong cao.
8. Tôi nên làm gì nếu tôi nghĩ rằng mình đã tiếp xúc với vi-rút thủy đậu?
Nếu đã từng bị bệnh thủy đậu hoặc đã từng tiêm ngừa thủy đậu đủ liều trước đây, bạn không cần làm gì thêm.
Nếu chưa, bạn cần đến ngay các cơ sở tiêm chủng để được tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu càng sớm càng tốt. Việc tiêm dự phòng trong 3-5 ngày sau phơi nhiễm có thể bảo vệ kịp thời giúp bạn không bị mắc thủy đậu, hoặc nếu bị mắc thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn.
Không phải trường hợp nào tiếp xúc với thủy đậu đều sẽ bị lây thủy đậu, cho nên ngay cả trong trường hợp thời gian phơi nhiễm trên 5 ngày, bạn vẫn nên tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu, để tạo miễn dịch bảo vệ trong tương lai nếu lần phơi nhiễm này bạn không bị bệnh. Không có bằng chứng chứng minh rằng việc tiêm ngừa sau khi bị lây thủy đậu tăng nguy cơ xảy ra các phản ứng bất lợi sau tiêm.
9. Tôi nên làm gì sau khi mắc bệnh thủy đậu?
Khi có các triệu chứng bệnh thủy đậu, người bệnh cần đến khám tại cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị phù hợp.
Đa số các trường hợp thủy đậu có thể được theo dõi và điều trị tại nhà. Tuy nhiên nếu bệnh nhân thuộc nhóm cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người suy giảm miễn dịch) hoặc có biến chứng thủy đậu, thì sẽ được nhập viện để theo dõi sát và điều trị tích cực.
Điều trị thủy đậu chủ yếu là nghỉ ngơi, hạ sốt, cung cấp đủ nước. Thuốc hạ sốt được sử dụng an toàn là Acetaminophen. KHÔNG dùng Aspirin để hạ sốt vì nguy cơ xuất hiện hội chứng Reye. Thuốc kháng Histamin thường được chỉ định để giảm triệu chứng ngứa. Cần hạn chế cào gãi và giữ vệ sinh cá nhân tốt để tránh nhiễm trùng da khiến sang thương da lâu lành và tạo sẹo. Trẻ em nên được cắt ngắn móng tay, có thể cho trẻ đeo bao tay để tránh cào gãi.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định thuốc Acyclovir, thuốc kháng vi-rút được chứng minh hiệu quả trong việc giảm thời gian sốt, rút ngắn thời gian nổi bóng nước, giảm tổn thương da, phòng ngừa biến chứng đối tượng đặc biệt (như người suy giảm miễn dịch). Việc chỉ định thuốc sẽ tùy thuộc vào mức độ bệnh, độ tuổi và tình trạng sức khỏe trước đó, thời gian từ lúc bắt đầu bị bệnh đến lúc điều trị.
Do thủy đậu là bệnh truyền nhiễm có khả năng lây lan cao tạo thành dịch, người mắc bệnh thủy đậu cần được cách ly tại nhà hoặc bệnh viện để tránh việc lây cho những người chưa có miễn dịch với thủy đậu. Thời gian cách ly được tính từ lúc nghi thủy đậu đến khi tất cả các sang thương đã đóng mày (thông thường từ 7-10 ngày tính từ lúc có triệu chứng).
10. Khi nào cần làm xét nghiệm thủy đậu?
Thủy đậu là một bệnh được chẩn đoán chủ yếu dựa trên các biểu hiện bệnh và tiền căn tiếp xúc với người nhiễm bệnh thủy đậu.
Một vài trường hợp đặc biệt sẽ được chỉ định làm xét nghiệm: nhiễm thủy đậu không điển hình, nhiễm thủy đậu ở những ca bệnh nặng (nhập viện hoặc tử vong).
CDC Mỹ không khuyến cáo việc xét nghiệm kháng thể thủy đậu thường quy sau tiêm ngừa.
11. Thủy đậu có thể phòng tránh như thế nào?
Vắc-xin thủy đậu là cách phòng ngừa bệnh thủy đậu một cách chủ động, hiệu quả nhất.
Tiêm phòng vắc-xin thủy đậu cho phụ nữ tiền thai sản là biện pháp hữu hiệu bảo vệ thai nhi khỏi các dị tật bẩm sinh nguy hiểm do thủy đậu và thủy đậu sơ sinh.
Ngoài ra, có thể phòng ngừa lây nhiễm thủy đậu bằng các cách sau:
- Giữ vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước.
- Ở các nơi công cộng, cần đeo khẩu trang, không dùng tay chạm vào mắt, mũi, miệng sau khi tiếp xúc với các bề mặt đồ vật. Che mũi miệng khi ho, hắt hơi để tránh lây truyền bệnh.
- Ở các nơi tập trung đông người (trường học, ký túc xá, khu quân đội,…) cần được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, đặc biệt là các bề mặt tiếp xúc (bàn, ghế, tay nắm cửa,…) vì đây là nguồn lây gián tiếp nếu các bề mặt này dính các chất tiết chứa vi-rút.
- Người bị bệnh cần tự cách ly bản thân trong thời gian quy định để tránh lây nhiễm cho người khác.
12. Ai nên tiêm ngừa thủy đậu?
Những người chưa từng bị thủy đậu trước đây và nằm trong chỉ định cho phép tiêm ngừa đều có thể tiêm ngừa thủy đậu.
Tiêm ngừa thủy đậu đặc biệt quan trọng đối với:
- Người làm trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, người làm việc tại viện dưỡng lão.
- Người chăm sóc hoặc tiếp xúc gần (ở chung nhà) với người suy giảm miễn dịch.
- Giáo viên, bảo mẫu.
- Người sống trong ký túc xá, doanh trại quân đội.
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
- Người đi du lịch.
13. Lịch tiêm ngừa thủy đậu như thế nào?
Theo khuyến cáo của Hội Y học dự phòng Việt Nam:
- Trẻ em dưới 13 tuổi: khuyến cáo tiêm 2 liều, liều đầu lúc trẻ 12-15 tháng, liều thứ hai lúc 4-6 tuổi hoặc cách liều đầu tối thiểu 3 tháng.
- Trẻ em từ 13 tuổi trở lên và người lớn: khuyến cáo tiêm 2 liều, cách nhau từ 4-8 tuần.
- Đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ: 2 liều. Vì tác động của vắc-xin thủy đậu lên thai nhi chưa được biết rõ, khách hàng nữ sau tiêm ngừa thủy đậu cần ngừa thai ít nhất là 1-3 tháng sau tiêm.
14. Các dạng vắc-xin của bệnh thủy đậu?
Vắc-xin thủy đậu đơn, hoặc vắc-xin chứa thành phần thủy đậu kết hợp với Sởi- Quai bị-Rubella (MMRV- hiện chưa có ở Việt Nam) là vắc-xin sống giảm độc lực, chứa vi-rút thủy đậu sống đã được làm yếu đi.
15. Vắc-xin thủy đậu có an toàn không?
Vắc-xin thủy đậu bắt đầu được cấp phép sử dụng tại Mỹ từ năm 1995 và đã giúp giảm đáng kể tỷ lệ nhiễm, cũng như tỷ lệ nhập viện và tử vong do thủy đậu tại Mỹ. Qua thời gian, vắc-xin được cải tiến dần và được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, đóng vai trò không nhỏ trong việc giảm tỷ lệ nhiễm, tỷ lệ nhập viện và tử vong do thủy đậu, cũng như giảm đáng kể tỷ lệ thủy đậu bẩm sinh và chu sinh ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm thủy đậu thai kỳ.
Theo thời gian, các nghiên cứu chỉ ra rằng vắc-xin thủy đậu là một vắc-xin an toàn và hiệu quả. Các phản ứng nặng sau tiêm rất hiếm gặp.
Các phản ứng sau tiêm có thể gặp thường là các phản ứng nhẹ tại chỗ như sưng đau, cứng vị trí tiêm ngừa và tự hết sau vài ngày. Một số ít trường hợp có thể nổi vài nốt hồng ban dát sẩn hoặc bóng nước (2-5 nốt) trong vòng 5-26 ngày sau tiêm, thường tại vị trí tiêm ngừa.
16. Tôi có thể bị nhiễm vi-rút thủy đậu khi tiêm ngừa không?
Vắc-xin thủy đậu là vắc-xin chứa vi-rút sống, giảm độc lực đã được làm yếu. Tuy nhiên do đây là vắc-xin sống, nên vẫn có khả năng (1%) xuất hiện triệu chứng thủy đậu sau tiêm ngừa. Tuy nhiên triệu chứng này nhẹ với sự xuất hiện của 5-6 bóng nước nhỏ hoặc hồng ban, tự giới hạn và không kèm sốt hay biến chứng.
17. Sau khi tiêm ngừa/ bị bệnh thủy đậu, tôi có còn bị mắc bệnh thủy đậu không?
Thủy đậu gây miễn dịch suốt đời sau khi bị nhiễm lần đầu. Tuy nhiên, có một số trường hợp sau khi tiêm ngừa/ bệnh thủy đậu vẫn có khả năng mắc thủy đậu/ bệnh lần 2. Điều này thường xảy ra ở những người có tổn thương hệ thống miễn dịch, những người đã chủng ngừa thủy đậu nhưng đáp ứng miễn dịch không đầy đủ. Tuy nhiên, triệu chứng thường nhẹ, với sốt nhẹ/ không sốt, nổi ít hồng ban, có ít/ không có bóng nước.
18. Tôi nên làm gì nếu tôi đã tiêm nhưng không hoàn thành đủ liều vắc-xin thủy đậu?
Vắc-xin thủy đậu là vắc-xin có hiệu quả bảo vệ cao và lâu dài nếu tiêm đủ 2 liều: Hiệu lực vắc-xin là >95% đối với các dạng thủy đậu và 99-100% đối với thủy đậu dạng nặng.
Nếu chỉ tiêm 1 liều vắc-xin thủy đậu, hiệu quả bảo vệ khỏi bệnh thủy đậu khoảng 60-80% (tùy loại vắc-xin). Người chỉ tiêm 1 liều thủy đậu vẫn có khả năng bị nhiễm thủy đậu, tuy nhiên các triệu chứng thường nhẹ hơn, số lượng nốt bóng nước ít hơn ( Trong trường hợp tiêm chưa đủ liều vắc-xin thủy đậu, bạn nên đến các cơ sở tiêm chủng để được tiêm thêm 1 liều vắc-xin thủy đậu nữa nhằm đạt hiệu quả bảo vệ tốt nhất. Bạn không cần phải lập lại mũi tiêm đầu.
19. Ai không nên chủng ngừa thủy đậu?
Những đối tượng sau đây không nên tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu:
- Người có phản ứng dị ứng nặng sau tiêm mũi vắc-xin thủy đậu trước đó.
- Người có phản ứng dị ứng nặng đe dọa tính mạng với gelatin và neomycin.
- Phụ nữ đang mang thai: do tác động của vắc-xin lên thai nhi chưa được biết rõ.
- Người bị suy giảm miễn dịch nặng (ung thư tạng đặc hoặc bệnh lý ác tính hệ tạo máu; người đang hóa trị, suy giảm miễn dịch bẩm sinh, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch kéo dài (prednisone hoặc tương đương prednisone liều trên 20 mg/ngày hoặc trên 2 mg/kg cân nặng/ngày, từ 2 tuần trở lên); bệnh nhân HIV suy giảm miễn dịch nặng (trẻ 1-5 tuổi có tỷ lệ phần trăm lympho T-CD4+ <15% hoặc người từ 6 tuổi trở lên có số lượng lympho T CD4+ <200/ ul).
- Tiền căn gia đình có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc di truyền, trừ khi tình trạng miễn dịch của khách hàng được chứng minh bằng lâm sàng hoặc xét nghiệm.
Những đối tượng sau cần thận trọng khi tiêm ngừa thủy đậu:
- Được truyền máu hoặc các chế phẩm của máu gần đây.
- Đang mắc các bệnh cấp tính hoặc mạn tính tiến triển (nên trì hoãn tiêm chủng đến lúc tình trạng bệnh ổn).
20. Tôi có thể tiêm vắc-xin thủy đậu cùng lúc với các loại vắc-xin khác không?
Vắc-xin thủy đậu có thể tiêm cùng lúc với các vắc-xin sống khác (Sởi - Quai bị-Rubella, viêm não Nhật Bản) trong cùng 1 ngày tiêm chủng. Nếu không tiêm chung ngày, thì vắc-xin thủy đậu phải cách các vắc-xin sống khác tối thiểu 28 ngày.
Vắc-xin thủy đậu có thể tiêm cùng lúc với các vắc-xin bất hoạt khác trong cùng 1 ngày tiêm chủng.
21. Thủy đậu và Zona có liên quan với nhau không?
Có. Thủy đậu và Zona đều gây ra bởi vi-rút Varicella Zoster. Một người bị thủy đậu sau khi khỏi bệnh, vi-rút Varicella Zoster có thể ẩn vào trong các tế bào hạch thần kinh cảm giác và nằm ở trạng thái không hoạt động. 1/3 trong số này sẽ xuất hiện triệu chứng Zona (giời leo) khi người nhiễm lớn tuổi hoặc khi hệ thống miễn dịch suy yếu do sự tái hoạt của vi-rút. Triệu chứng của Zona bao gồm sự tái xuất hiện các bóng nước dọc theo vị trí phân bố thần kinh từng vùng cơ thể. Các bóng nước này thường gây cảm giác đau rát dữ dội (Zona thần kinh), ngứa.
22. Tôi đã bị Zona, vậy tôi có cần tiêm ngừa thủy đậu không?
Không. Tác nhân gây bệnh Zona cũng là vi-rút Varicella Zoster gây bệnh thủy đậu. Người bị Zona rồi thì không cần tiêm ngừa vắc-xin thủy đậu nữa.
23. Tôi có thể tiêm ngừa thủy đậu ở đâu?
Bạn có thể tiêm ngừa thủy đậu ở các Viện Pasteur, Viện Vệ sinh Dịch tễ, các trung tâm y tế, các bệnh viện tư nhân và các cơ sở y tế tư nhân khác đã đăng ký đủ điều kiện thực hiện hoạt động tiêm chủng…
Tài liệu tham khảo:
1. Ask the Experts: Varicella (Chickenpox) Vaccins (immunize.org)
2. Varicella (Chickenpox): Questions and Answers (immunize.org)
3. Pinkbook: Varicella | CDC
4. Varicella Vaccin Recommendations | CDC

Các tin khác