CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ BỆNH THƯƠNG HÀN
Ngày đăng: 14:56:53 26/04/2024

CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ BỆNH THƯƠNG HÀN

Tác giả: ThS.Bs. Trần Quang Ngọc
Viện Pasteur Thành Phố Hồ Chí Minh

1. Bệnh thương hàn là gì?
Thương hàn là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây truyền qua đường tiêu hoá, do trực khuẩn Salmonella (S. typhi và S. paratyphi A, B) gây nên. Biểu hiện lâm sàng là hội chứng nhiễm khuẩn nhiễm độc toàn thân, kèm theo tổn thương bệnh lý đặc hiệu tại đường tiêu hoá. Bệnh tiến triển với sự tác động của nội độc tố của trực khuẩn, gây những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết tiêu hóa, thủng ruột, viêm tim, trụy tim mạch, viêm gan mật, viêm não. Tỷ lệ tử vong cao 10 – 20 %, sau khi có kháng sinh tỷ lệ tử vong giảm xuống 1 – 4 %. Ngày nay đã có vắc-xin phòng bệnh hiệu quả.
2. Các biểu hiện của bệnh thương hàn là gì?
Các biểu hiện bao gồm:
- Sốt cao kéo dài, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn, đau bụng và táo bón hoặc tiêu chảy.
- Một số bệnh nhân có thể bị phát ban (đào ban).
- Mạch chậm so với nhiệt độ, gọi là mạch và nhiệt độ phân ly. Tiếng tim mờ, huyết áp thấp.
- Lưỡi khô, rìa lưỡi đỏ, giữa lưỡi phủ một lớp rêu màu trắng hoặc xám.
- Gan, lách to dưới bờ sườn 1-3 cm, mật độ mềm.
- Có thể gặp viêm phế quản, viêm phổi.
3. Biểu hiện bệnh xuất hiện khi nào và kéo dài bao lâu sau khi tiếp xúc với vi trùng thương hàn?
Sau khi tiếp xúc với vi trùng, trung bình 7-15 ngày, bắt đầu xuất hiện triệu chứng đầu tiên kéo dài 2 – 3 tuần có thể dẫn đến biến chứng và tử vong, hoặc lui bệnh trong khoảng 1 tuần nữa.
4. Vi trùng thương hàn tồn tại bên ngoài cơ thể bao lâu?
Vi trùng thương hàn có sức sống và sức đề kháng tốt, trong đất có thể sống được vài tháng, trong nước thường 2-3 tuần, trong nước đá 2-3 tháng, trong phân vài tuần.
Vi trùng thương hàn bị tiêu diệt ở 50°C/1 giờ, 60°C/10-20 phút, 100°C/5 phút. Các chất khử trùng thông thường như chloramin 3%, phenol 5% … diệt được vi khuẩn dễ dàng.
5. Bệnh thương hàn nghiêm trọng như thế nào?
Bệnh thương hàn có thể gây nhiều biến chứng, làm tăng tỷ lệ tử vong của bệnh. Hiện nay có kháng sinh biến chứng của bệnh thương hàn đã giảm, nhưng vẫn còn gặp các biến chứng như:
- Xuất huyết tiêu hoá: Gặp tỷ lệ khoảng 15%. Thường vào tuần thứ 2, 3 của bệnh…
- Thủng ruột: Gặp tỷ lệ 1-3% thường vào tuần 2, 3 của bệnh hoặc vào giai đoạn hồi phục do ăn “giả bữa”.
- Viêm cơ tim: Đau ngực, mạch nhanh tiếng tim mờ, loạn nhịp, huyết áp thấp. Trên điện tim: sóng T dẹt, âm tính, ST đảo ngược.
- Truỵ tim mạch: Biểu hiện của choáng nội độc tố: Mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, vã mồ hôi, chân tay lạnh ...
- Viêm túi mật: Gặp tỷ lệ 1-2%. Biểu hiện: Đau hạ sườn phải, vàng da. Điểm túi mật đau.
- Viêm gan: Vàng da, gan to, xét nghiệm men SGOT, SGPT tăng.
- Biến chứng khác hiếm gặp: Viêm não, viêm màng não. Viêm tĩnh mạch, động mạch. Viêm cầu thận, viêm đài bể thận, viêm bàng quang...
- Tai biến kháng sinh (dị ứng, nhiễm độc...)
6. Vi trùng gây bệnh thương hàn lây lan như thế nào?
Lây đường tiêu hoá, có 2 cách lây.
- Do ăn, uống phải thực phẩm, nước bị ô nhiễm vi khuẩn, không được nấu chín. Đường lây qua nước là đường lây quan trọng và dễ gây ra dịch lớn.
- Do tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, người mang trùng qua chất thải, chân tay, đồ dùng ... thường gây dịch nhỏ và tản phát.
7. Một người không có triệu chứng có thể lây lan bệnh thương hàn không?
Một số người mang vi trùng thương hàn nhưng không có biểu hiện các triệu chứng lâm sàng có thể lây bệnh cho người lành.
8. Ai có nguy cơ mắc bệnh thương hàn?
Mọi lứa tuổi, giới đều có thể mắc bệnh thương hàn.
9. Bệnh thương hàn có thể phòng tránh được không?
Bệnh thương hàn có thể phòng tránh được bằng các biện pháp sau:
Tránh lây nhiễm vi trùng thương hàn từ người sang người thông qua đường ăn uống: sử dụng nguồn thực phẩm và nước uống sạch, ăn chín uống sôi, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Vệ sinh môi trường, đường xá cống rãnh sạch và thông thoáng, thu gom xử lý rác thải, chất thải đúng quy định…
Vắc-xin phòng bệnh thương hàn đã được sử dụng trong nhiều năm ở trẻ em và người lớn ở những quốc gia có nguy cơ mắc bệnh thương hàn, bao gồm cả khách du lịch.
10. Ai nên tiêm ngừa bệnh thương hàn?
Ở Việt nam, vắc-xin phòng bệnh thương hàn có thể sử dụng cho tất cả đối tượng từ 2 tuổi trở lên.
Đối với khách du lịch chuẩn bị có kế hoạch đi đến quốc gia, vùng lãnh thổ đang bệnh thương hàn lưu hành, cần tiêm vắc-xin phòng bệnh thương hàn.
Người tiếp xúc gần với người mang mầm bệnh. Nhân viên phòng thí nghiệm làm việc với vi trùng thương hàn.
11. Vắc-xin thương hàn có an toàn không?
Có hai loại vắc-xin để phòng ngừa bệnh thương hàn. Một là vắc-xin bất hoạt dùng qua đường tiêm. Loại còn lại là vắc-xin sống, giảm độc lực dùng qua đường uống. Các loại vắc-xin này được đánh giá là an toàn, tuy có một số tác dụng ngoại ý không mong muốn, nhưng với tỷ lệ thấp có thể phòng tránh và xử trí tốt. Ở Việt nam chỉ có loại vắc-xin bất hoạt đang được sử dụng.
12. Tôi có thể bị nhiễm vi trùng thương hàn khi tiêm ngừa không?
Có một tỷ lệ nhỏ sau khi tiêm đủ liều vắc-xin thương hàn vẫn có thể nhiễm vi trùng thương hàn. Tuy nhiên, những trường hợp đã tiêm đủ vắc-xin thương hàn nếu có nhiễm vi trùng thương hàn cũng không phát triển thành bệnh hoặc có phát triển thành bệnh thì cũng làm bệnh nhẹ hơn.
13. Có nên chủng ngừa thương hàn trước khi đi du lịch quốc tế không?
Trước khi đi du lịch nước ngoài nhất là đến các nước được đánh giá có nguy cơ dịch thương hàn phát triển, hoặc đang trong mùa dịch lưu hành cần tiêm một liều vắc-xin thương hàn.
14. Tôi có thể tiêm vắc-xin thương hàn cùng lúc với các loại vắc-xin khác không?
Vắc-xin thương hàn có thể tiêm cùng 1 ngày với các vắc-xin khác, ngoại trừ vắc-xin ngừa viêm màng não mô cầu A, C, W, Y là không được tiêm cùng ngày (đối với trẻ em dưới 18 tuổi).
15. Tôi có thể chủng ngừa thương hàn ở đâu?
Bạn có thể tiêm ngừa thương hàn ở các Viện Pasteur, Viện Vệ sinh Dịch tễ, các trung tâm y tế, các bệnh viện tư nhân và các cơ sở y tế tư nhân khác đã đăng ký đủ điều kiện thực hiện hoạt động tiêm chủng…
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/typhoid?gclid=Cj0KCQiAr8eqBhD3ARIsAIe-buPZV3oFTEjxSQQ2-7Ze_B67-66LnM_fy6WRTzs15Z2doFoAqOGDvfcaAnmCEALw_wcB
2. https://www.pacehospital.com/típhoid-fever-symptoms-causes
3. https://www.who.int/teams/health-product-policy-and-standards/standards-and-specifications/Vaccin-standardization/típhoid-fever
https://www.who.int/teams/health-product-policy-and-standards/standards-and-specifications/Vaccin-standardization/typhoid-fever

Các tin khác