Câu hỏi đáp: ngày thế giới phòng chống bệnh viêm gan virus
Ngày đăng: 08:55:06 11/08/2017
Có năm loại vi-rút (A, B, C, D, E) gây bệnh viêm gan, trong đó vi-rút viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất. Theo số liệu được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố, hiện nay, trên toàn thế giới có khoảng 325 triệu người (tương đương 4% số dân thế giới) đang bị nhiễm vi-rút viêm gan B và C; ước tính có khoảng 57% số người nhiễm sẽ tiến triển thành xơ gan và 78% số người bệnh này sẽ bị ung thư gan tiên phát.

Mỗi năm, toàn thế giới có khoảng 1,34 triệu người chết do viêm gan B và C. Theo kết quả điều tra gánh nặng bệnh tật toàn cầu cho thấy, viêm gan vi-rút là nguyên nhân đứng thứ bảy trong số các nguyên nhân gây chết người nhiều nhất.

Câu hỏi 1: Ngày Viêm Gan Thế giới (World Hepatitis Day 28/7)

Ngày 21/5/2010, Hội nghị Sức khỏe Thế giới lần thứ 63 (World Assembly of the World Health Organization) đã quyết định chính thức lấy ngày 28 tháng 7 hàng năm là “Ngày viêm gan thế giới” – nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về căn bệnh nguy hiểm này và kêu gọi các quốc gia hãy hành động ngay, trước khi quá muộn. Từ khi được công bố đến nay, hàng năm với sự tham gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Ngày Viêm Gan Thế giới đã ghi nhận sự tham gia của 194 quốc gia thông qua nhiều hoạt động như chương trình khám bệnh sàng lọc miễn phí, tổ chức mít tinh, cổ động…

Ngày 28/7 được chọn là Ngày Viêm gan Thế giới vinh danh ngày sinh của Giáo sư Baruch Samuel Blumberg đạt giải Nobel trong việc phát hiện ra virus viêm gan B và phát triển vaccine đầu tiên chủng ngừa virus viêm gan B.Mỗi năm Ngày Viêm gan Thế giới được kêu gọi với một chủ đề khác nhau.

Câu hỏi 2: 28.7.2017 chủ đề kêu gọi WHO phòng chống viêm gan nội dung gì?

Ngày Thế giới phòng chống viêm gan (28-7) năm nay “Không viêm gan – Tiến tới loại trừ viêm gan siêu vi vào năm 2030” là một cơ hội tạo thêm động lực nhằm thực hiện chiến lược y tế toàn cầu đầu tiên của Tổ chức Y tế thế giới về bệnh viêm gan vi rút giai đoạn 2016-2021 và giúp các nước thành viên đạt được mục tiêu cuối cùng - Đó là loại trừ viêm gan.

Câu hỏi 3: Hội nghị thượng đỉnh thế giới về viêm gan tổ chức ở đâu 2017?

Hội nghị thượng đỉnh thế giới về viêm gan sẽ được tổ chức vào ngày 1-3/11/2017 tại São Paulo Brazil, hứa hẹn sẽ là sự kiện toàn cầu lớn nhất để thúc đẩy chương trình nghị sự về viêm gan do virus. Chủ đề của hội nghị “Thực hiện chiến lược toàn cầu về y tế,; hướng tới thanh toán bệnh viêm gan hiện là mối đe doạ sức khoẻ cộng đồng -2030”.

Câu hỏi 4: Trong năm 2017, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra cam kết gì?

Trong bối cảnh bệnh viêm gan hiện đang gia tăng gánh nặng bệnh tật và tử vong . Ngày thế giới phòng chống bệnh viêm gan 2017, với chủ đề “Thanh toán bệnh viêm gan -2030 ” - WHO kêu gọi các nước cùng cam kết thực hiện,với mục đích huy động nguồn lực, tăng cường các biện pháp phòng chống, tiêm ngừa vaccine, đẩy mạnh việc tiếp cận xét nghiệm tầm soát cho cộng đồng và điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh.

WHO cũng đưa ra giải pháp chọn lựa giá thành thuốc điều trị VG B, VG C ở mức thấp cho phác đồ điều trị, để đảm bảo mọi đối tượng có thể tiếp cận thuốc điều trị, và đáp ứng nhu cầu cấp thiết mở rộng việc kiểm soát bệnh viêm gan.

Câu hỏi 5: Có bao nhiêu quốc gia đăng ký cam kết thực hiện thanh toán bệnh VG virus 2030?

Hiện có 86% các quốc gia xem xét đưa ra các mục tiêu loại trừ viêm gan và hơn 70% quốc gia đã xây dựng các kế hoạch cho cộng đồng có thể tiếp cận với các dịch vụ y tế như dự phòng, chẩn đoán, XN, điều trị và chăm sóc.

Câu hỏi 6: Bệnh viêm gan đã gây ảnh hưởng đến bao nhiêu người trên thế giới?

Tính đến năm 2015 bệnh viêm gan virus ảnh hưởng đến 325 triệu người, trong đó có 257 triệu người mắc bệnh viên gan B và 71 triệu người mắc bệnh viêm gan C – Viêm gan B và C là hai tác nhân chính gây tử vong trong 5 chủng virus gây viêm gan siêu vi. Trong năm 2015 có 1,34 triệu người tử vong từ bệnh này, số chết tương đương với số tử vong do bệnh lao và HIV/AIDS.

Câu hỏi 7: Để giảm ca viêm gan B và C mới cần làm gì?

Cần tăng tỷ lệ tiêm chủng viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu, tiêm vaccine viêm gan B cho cộng đồng và tăng cường các chương trình giảm tác hại cho những người tiêm chích ma tuý. Tuân thủ an toàn trong các thủ thuật, phẩu thuật, chăm sóc nha khoa… Lưu ý việc sử dụng bơm kim tiêm, các can thiệp y tế tại các cơ sở chăm sóc sức khoẻ cho nhóm đối tượng ma tuý, là nguyên nhân chủ yếu gây các ca viêm gan C.

Câu hỏi 8: Chiến lược y tế toàn cầu của bệnh Viêm gan virus giai đoạn 2016 -2021 gồm nội dung nào?

Hướng dẫn chiến lược 1: Thông tin tập trung để hành động tập trung.

Hoạt động ưu tiên:

  1. Lồng ghép các hoạt động thông tin chiến lược và các chỉ số viêm ngan virus vào hệ thống quốc gia.
  2. Đánh giá gánh nặng quốc gia do bệnh viêmg an do vi rút gây ra.
  3. Theo dõi việc tiếp cận vào hệ thống và chất lượng dịch vụ cho bệnh nhân VG.

Hướng dẫn chiến lược 2: Các hoạt động can thiệp

Hoạt động ưu tiên

  1. Triển khai một gói toàn diện các dịch vụ làm giảm tác hại theo nhu cầu.
  2. Giải quyết các rào cản pháp lý và thể chế.
  3. Liên kết các dịch vụ viêm ganvà giảm tác hại.
  4. Tăng cường các chương trình sử dụng bao cao su.
  5. Triển khai tiêm vaccine viêmgan B cho những người có nguy cơ mắc bệnh viêm gan B cao qua đường tình dục.

Hướng dẫn chiến lược 3: Thực hiện công bằng

Hoạt động ưu tiên

  1. Xác định các quần thể và địa điểm bị ảnh hưởng nhiều nhất và ưu tiên cho các nhóm và địa điểm này.
  2. Xây dựng năng lực cộng đồng để cung cấp các dịch vụ dựa vào cộng đồng có chất lượng.
  3. Phân cấp và mở rộng các dịch vụ về viêm gan.
  4. Xác định các mô hình tốt về cung cấp dịch vụ lồng ghép và liên kết.
  5. Nâng cao chất lượng dịch vụ.
  6. Định kỳ thực hiện các "phân tích phân tầng" để xác định khoảng trống và giải quyết.

Hướng dẫn chiến lược 4: Tài chính bền vững

Hành động ưu tiên

  1. Biên soạn phiếu điều tra sâu về VG virus
  2. Ước lượng nhu cầu nguồn lực quốc gia về viêm gan.
  3. Giảm rào cản tài chính.
  4. Cung cấp quy định bảo vệ sức khoẻ chung chống lại rủi ro tài chính liên quan đến sức khoẻ.
  5. Theo dõi chi tiêu, chi phí và chi phí- hiệu quả của dịch vụ viêm gan.
  6. Tăng cường phối hợp với các bộ phận khác của hệ thống y tế.

Hướng dẫn chiến lược 5: Đổi mới tăng tốc

Câu hỏi 9: Ước tính gánh nặng viêm gan B mãn tính hàng năm do lây truyền từ mẹ sang con ở Việt Nam?

Dựa trên những nhận định dè dặt, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B mãn tính là 10% ở phụ nữ mang thai và ước tính mỗi năm sẽ có 54.655 trẻ sơ sinh bị nhiễm vi rút viêm gan B mãn tính. Những trẻ em này có nguy cơ bị các biến chứng từ viêm gan B mãn tính, cũng có thể lây nhiễm vi rút sang người khác, làm cho bệnh lây lan thêm.

Câu hỏi 10: WHO khuyến cáo gì cho công tác phòng chống viêm gan B?

WHO nhận định cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B là thông qua tiêm phòng kịp thời vắc-xin viêm gan B.

WHO khuyến cáo cần tiêm liều vắc-xin viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu), tiếp theo là 2 hoặc 3 liều với khoảng thời gian cách nhau tối thiểu là 4 tuần.

Câu hỏi 11: Vắc-xin viêm gan B là gì?

Vắc-xin viêm gan B được phát minh cách đây 30 năm và đã được sử dụng trên toàn cầu kể từ thời điểm đó. Hàng trăm triệu người đã được tiêm vắc-xin viêm gan B. Vắc-xin này ngăn chặn hơn 95% các ca lây nhiễm.

Vắc-xin sử dụng tại Việt Nam được sản xuất theo công nghệ tái tổ hợp DNA, bao gồm các thành phần protein của virus viêm gan B có thể làm cho hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận biết và đáp ứng với khả năng nhiễm virus viêm gan B. Vắc-xin này không chứa virus viêm gan B do đó không gây ra nhiễm trùng.

Câu hỏi 12: Độ an toàn của các loại vắc-xin viêm gan B ra sao?

Sự an toàn của vắc-xin viêm gan B được nghiên cứu thường xuyên kể từ lần đầu đưa vào sử dụng. Vắc-xin có một số tác dụng phụ nhỏ và phổ biến, chẳng hạn như đau tại chỗ tiêm và sốt kéo dài dưới một ngày.

Cũng như tất cả các loại vắc-xin, vắc-xin viêm gan B có thể gây ra phản ứng dị ứng ngắn hạn được gọi là phản ứng quá mẫn (phản vệ). Ước tính xảy ra một lần trong mỗi 1,1 triệu liều tiêm vắc-xin phòng viêm gan B. Mặc dù đã có rất nhiều nghiên cứu dài hạn, vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy các tác dụng có hại nghiêm trọng và lâu dài liên quan đến nguyên nhân do tiêm phòng viêm gan B.

Câu hỏi 13: Vắc-xin viêm gan B ở Việt Nam được sản xuất ở đâu?

Tất cả các loại vắc-xin được sử dụng theo Chương trình quốc gia về Tiêm chủng mở rộng của Việt Nam phải đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và an toàn quốc tế. Vắc-xin viêm gan B được sản xuất trong nước bởi Công ty Vắc-xin và Sinh học số 1. Vắc-xin đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định của Bộ Y tế và đã được sử dụng từ năm 1997 tại Việt Nam.

Ngoài ra, mỗi lô vắc-xin sản xuất ra cũng được Viện Kiểm định Vắc-xin và Sinh phẩm Y tế Quốc gia tại Việt Nam cấp phép sử dụng, có nghĩa là nó phải đươc kiểm tra chất lượng và tăng cường độ an toàn một lần nữa trước khi được đưa vào sử dụng.

Câu hỏi 14: Tại sao lại áp dụng liều sau sinh toàn cầu cho tất cả các trẻ sơ sinh mà không áp dụng cách tiếp cận mục tiêu cho những trẻ sinh ra bởi các bà mẹ dương tính với viêm gan B?

Cách tiếp cận mục tiêu cho những trẻ sinh ra bởi các bà mẹ dương tính với viêm gan B rất khó thực hiện. Dưới đây là một số lý do:

  • Việc tiếp cận, cung cấp cũng như chăm sóc tiền sản còn nghèo nàn;
  • Nhân viên y tế hoặc các cơ sở y tế không được trang bị để tiến hành xét nghiệm viêm gan B trong quá trình chăm sóc tiền sản;
  • Có thể thiếu nguồn tài chính cho việc xét nghiệm và/hoặc các chi phí cần thiết để xét nghiệm có thể tương đương hoặc lớn hơn chi phí cần cho chương trình tiêm chủng cho trẻ sơ sinh.
  • Chính sách tiêm chủng trẻ sơ sinh toàn cầu ngay sau sinh đem lại thêm lợi ích về mặt “lưới an toàn”, không chỉ để phòng ngừa nhiễm trùng trong khi sinh, mà còn chống lại sự lây truyền sau đó từ người nhà hoặc từ các nguồn khác.

Ngoài ra, áp dụng một liều sau sinh liên quan đến việc hoàn thành đúng thời hạn loạt vắc-xin phòng viêm gan B với tỉ lệ cao hơn và trong một số tình huống còn giúp hoàn thành nhanh hơn.

Câu hỏi 15: Cần có những thận trọng gì đặc biệt trong việc tiêm chủng cho trẻ sơ sinh trong vòng 24 giờ đầu sau sinh?

Vì liều viêm gan B sau sinh thường được tiêm tại một bệnh viện ở Việt Nam, bác sĩ sản khoa hoặc nữ hộ sinh sẽ đánh giá các em bé mới sinh bằng cách quan sát tình trạng chung của trẻ sơ sinh, tính toán cân nặng và các dấu hiệu sinh tồn quan trọng.

Câu hỏi 16: Lịch tiêm chủng phòng chống viêm gan B?

WHO nhận định cách an toàn và hiệu quả nhất để ngăn ngừa lây nhiễm virus viêm gan B là thông qua tiêm phòng kịp thời vắc-xin viêm gan B.

WHO khuyến cáo cần tiêm liều vắc-xin viêm gan B đầu tiên càng sớm càng tốt sau khi sinh (trong vòng 24 giờ đầu), tiếp theo là 2 hoặc 3 liều với khoảng thời gian cách nhau tối thiểu là 4 tuần.

Tài liệu tham khảo

  1. http://www.who.int/mediacentre/news/releases/2017/eliminate-hepatitis/en/
  2. http://www.wpro.who.int/topics/hepatitis/en/
  3. http://www.wpro.who.int/vietnam/topics/hepatitis/faqhepatitis/en/
  4. http://www.wpro.who.int/china/topics/hepatitis/qa_20150515/en/

Hồ Thị Thiên Ngân - Khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh

Các tin khác