CỐ BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ, BÁC SĨ PHẠM NGỌC THẠCH – NHÀ Y HỌC LỖI LẠC, NHÀ LÃNH ĐẠO Y TẾ MẪU MỰC, NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO CÔNG CUỘC PHÒNG CHỐNG LAO VÀ PHÁT TRIỂN NỀN Y TẾ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI.
Ngày đăng: 00:26:07 29/04/2025
CỐ BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ, BÁC SĨ PHẠM NGỌC THẠCH – NHÀ Y HỌC LỖI LẠC, NHÀ LÃNH ĐẠO Y TẾ MẪU MỰC, NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO CÔNG CUỘC PHÒNG CHỐNG LAO VÀ PHÁT TRIỂN NỀN Y TẾ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI.

CỐ BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ, BÁC SĨ PHẠM NGỌC THẠCH – NHÀ Y HỌC LỖI LẠC, NHÀ LÃNH ĐẠO Y TẾ MẪU MỰC, NGƯỜI ĐẶT NỀN MÓNG CHO CÔNG CUỘC PHÒNG CHỐNG LAO VÀ PHÁT TRIỂN NỀN Y TẾ VIỆT NAM HIỆN ĐẠI.

Trong lịch sử y học và cách mạng Việt Nam hiện đại, tên tuổi Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch luôn sáng chói như một tấm gương mẫu mực về lòng yêu nước, đức hy sinh và trí tuệ kiệt xuất.

 

Hình 1: Chân dung Cố Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch

Ông sinh ngày 7 tháng 5 năm 1909 tại Quy Nhơn, trong một gia đình trí thức, yêu nước. Thời niên thiếu, ông theo gia đình học tiểu học tại Phan Thiết, Thanh Hóa, sau đó ra Hà Nội học trung học tại trường Albert Sarraut. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ sự thông minh, chăm học, luôn đứng đầu lớp và đỗ đầu các kỳ thi.

Năm 1928, sau khi đỗ tú tài, ông vào học tại Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Kết thúc năm thứ tư, ông sang Pháp tiếp tục học và tốt nghiệp bác sĩ Y khoa năm 1934. Với thành tích học tập xuất sắc, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được giữ lại làm trợ lý tại Trường Đại học Y khoa Paris, chuyên ngành lao và các bệnh phổi, đồng thời làm trợ lý tại Bệnh viện Laennec trong hai năm, vừa làm việc vừa trau dồi thêm kiến thức chuyên môn.

Sau khi trở về Sài Gòn, ông mở phòng mạch tư chuyên trị bệnh lao phổi tại ngôi nhà số 202, phố Nguyễn Thị Minh Khai. Qua thực tế điều trị, ông nhận thấy rằng bệnh nhân lao phần lớn là những người nghèo. Với tấm lòng thương yêu và trân trọng người bệnh, ông sớm nhận ra rằng sự tận tâm của người thầy thuốc không đủ để cứu chữa tận gốc nếu xã hội còn bất công, nhân dân còn bị thực dân, phong kiến áp bức bóc lột. Trong tâm trí ông bùng lên ngọn lửa yêu nước, yêu dân; ông tin rằng chỉ có cách mạng giải phóng dân tộc mới mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân Việt Nam.

Từ đó, ông quyết tâm rời bỏ cuộc sống giàu sang để tìm cách tham gia phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Sau thất bại của Nam Kỳ khởi nghĩa, khi Đảng rút vào hoạt động bí mật, ông được phân công tham gia các phong trào của công nhân Sài Gòn. Ông góp phần tích cực trong việc thành lập Công hội bí mật ở Sài Gòn và trở thành ủy viên Tổng công hội bí mật Sài Gòn – Chợ Lớn.

Tháng 3 năm 1945, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch chính thức được kết nạp vào Đảng Cộng sản. Ông được Xứ ủy Nam Kỳ giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng thanh niên làm chỗ dựa cho cách mạng, dẫn đến sự ra đời của tổ chức "Thanh niên Tiền phong Nam Bộ". Sáng ngày 25 tháng 8 năm 1945, trong không khí cờ đỏ sao vàng rợp trời Sài Gòn, lực lượng Thanh niên Tiền phong đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngày 27 tháng 8 năm 1945, tại chiến khu Việt Bắc, Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam quyết định tự cải tổ thành Chính phủ Lâm thời. Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch được cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, đồng thời làm Ủy viên Ủy ban nhân dân Nam Bộ phụ trách đối ngoại và là thành viên trong phái đoàn Chính phủ tham gia đàm phán với đại diện Chính phủ Pháp.

Hình 2: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch thăm Bệnh viện Bạch mai - Hà Nội, ngày 21/03/1960

Sau năm 1954, khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, ông được cử làm Thứ trưởng Bộ Y tế, đến năm 1958 thì giữ chức Bộ trưởng, đồng thời là Bí thư Đảng đoàn Bộ Y tế cho đến ngày hy sinh. Trong bối cảnh ngành y tế nước nhà đứng trước muôn vàn khó khăn do hậu quả nặng nề của chế độ cũ để lại, với tỷ lệ bệnh tật, dịch bệnh, tử vong cao, nạn hữu sinh vô dưỡng phổ biến và tuổi thọ người dân rất thấp, ông luôn trăn trở làm thế nào để cải thiện sức khỏe nhân dân.

Hình 3: Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cố Bác sĩ tới thăm Trạm xá Vân Đình, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông (nay thuộc TP. Hà Nội), ngày 21/03/1960 

Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã tìm tòi, học tập kinh nghiệm từ Liên Xô, nghiên cứu kỹ các quan điểm của Đảng và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ông khảo sát thực địa ở nhiều vùng miền, từ đó tổng hợp, đúc kết thành năm phương châm, nguyên tắc chỉ đạo của ngành y tế, những nguyên tắc mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Trên cơ sở đó, ông đề ra các biện pháp cụ thể, đặc biệt nhấn mạnh việc xây dựng mạng lưới y tế cơ sở ở nông thôn, coi đây là bước then chốt để cải thiện sức khỏe cộng đồng. Trong công tác phòng bệnh, ông chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, phát động phong trào "vệ sinh yêu nước", phong trào "ba sạch, bốn diệt", thực hiện các chiến dịch tiêm chủng mở rộng, vừa nhằm ngăn ngừa dịch bệnh, vừa tiết kiệm vắc-xin.

Hình 4: Hình ảnh Cố Bác sĩ và các đồng chí miệt mài cống hiến không ngừng nghỉ

Khi miền Bắc đang tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hòa bình, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước lại bùng nổ dữ dội trên toàn quốc. Năm 1968, trong bối cảnh chiến trường miền Nam ngày càng ác liệt, với tình cảm thiết tha với quê hương, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch đã xin vào chiến trường trực tiếp khảo sát thực tế nhằm tìm ra các giải pháp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và bộ đội miền Nam.

Công việc còn đang dở dang, giữa lúc còn đang ấp ủ bao nhiều hoài bão lớn đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam, đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành y tế nhân dân thì bác sĩ Phạm Ngọc Thạch mãi mãi nằm xuống giữa chiến khu miền Đông Nam Bộ do viêm phúc mạc mật và sau một cơn sốt rét ác tính. Trước đó chỉ vài giờ, ông vẫn còn dặn dò anh em chuẩn bị công việc cho ngày hôm sau. Ông ra đi ở tuổi 59 – độ tuổi đang tràn đầy sức lực, trí tuệ và tâm huyết – để lại cho cách mạng và ngành y tế Việt Nam một khoảng trống lớn lao. Hiện nay, ông được an táng tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh.

Hình 5: Hình ảnh phần mộ của Cố Bác sĩ tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh.

Cuộc đời bác sĩ Phạm Ngọc Thạch tuy không dài, nhưng lại hết sức rực rỡ và ý nghĩa. Điều quý giá hơn là ông đã để lại cho chúng ta một kho tàng lý luận sâu sắc và những bài học thiết thực về xây dựng và phát triển y tế nhân dân, những di sản mà chúng ta còn tiếp tục khai thác và học tập lâu dài.

(Nguồn tin: Tham khảo từ nhiều nguồn)

 

 

 

 

 

 

Các tin khác