CỐ GIÁO SƯ ĐẶNG VĂN NGỮ – TẤM GƯƠNG SÁNG VỀ TRÍ TUỆ, TÂM HUYẾT VÀ NHỮNG CỐNG HIẾN BẤT DIỆT CHO NỀN Y HỌC VIỆT NAM.
Trong dòng chảy hào hùng của lịch sử dân tộc Việt Nam, có những con người đã dành trọn đời mình để phụng sự khoa học và đất nước. Giáo sư Đặng Văn Ngữ – một nhà y học tài ba, một chiến sĩ cách mạng kiên trung – là hình mẫu tiêu biểu của thế hệ trí thức Việt Nam gắn kết chặt chẽ giữa lý tưởng khoa học và lòng yêu nước sắt son.

Hình 1: Chân dung Cố Giáo sư Đặng Văn Ngữ
Ông sinh ngày 4 tháng 4 năm 1910 tại An Cựu, thành phố Huế trong một gia đình nhà nho nghèo sống nhờ buôn bán nhỏ, từ thuở thiếu thời, Đặng Văn Ngữ đã bộc lộ tài năng học tập xuất chúng. Con đường học vấn của ông trải dài từ Vinh đến Huế, với thành tích đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp trung học, rồi tiếp tục ra Hà Nội theo học. Năm 1930, ông xuất sắc vượt qua cả hai kỳ thi tú tài bản xứ và tú tài Pháp, nhận học bổng và bước vào Trường Y - Dược thuộc Đại học Đông Dương.
Tốt nghiệp bác sĩ y khoa năm 1937 với thành tích vượt trội, ông trở thành người Việt Nam đầu tiên được giữ lại làm phụ giảng cho Giáo sư Galliard – Chủ nhiệm Bộ môn Ký sinh trùng, Hiệu trưởng Trường Y - Dược. Đây là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự khởi đầu cho sự nghiệp trọn đời gắn bó với nghiên cứu ký sinh trùng học – lĩnh vực mà ông đã dâng hiến toàn bộ trí tuệ và tâm huyết.
Năm 1942, ông trở thành Trưởng phòng thí nghiệm ký sinh trùng và giảng viên Sinh học Ban Dược. Với niềm đam mê nghiên cứu không mệt mỏi, ông công bố 19 công trình khoa học, trong đó nhiều công trình đạt tầm vóc quốc tế, đặc biệt ở phương diện điều tra phân bố, sinh thái và cơ chế gây bệnh của các loài ký sinh. Những nỗ lực của ông đã vượt xa các nhà khoa học tiền bối người Pháp trong lĩnh vực này.
Hình 2: Ông miệt mài với những nghiên cứu không mệt mỏi trong phòng thí nghiệm
Ghi nhận những đóng góp to lớn, năm 1943, ông được cử đi du học tại Nhật Bản – một minh chứng cho tài năng kiệt xuất, được đánh giá "xứng đáng cho nền y học của Pháp tại Việt Nam". Sáu năm tại Nhật không chỉ là những tháng ngày nghiên cứu khoa học miệt mài, mà còn là quãng thời gian ông thể hiện lòng yêu nước mãnh liệt. Bất chấp nhiều lời mời gọi từ giới khoa học Pháp, Nhật, Mỹ, ông vẫn kiên định mục tiêu cống hiến cho Tổ quốc. Ông chủ động lưu giữ các giống nấm kháng sinh để phục vụ công cuộc kháng chiến sau này và thành lập Hội Việt kiều tại Nhật Bản, vận động quốc tế công nhận nền độc lập Việt Nam.
Khi đọc được Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà khoa học Đặng Văn Ngữ đã từ bỏ mọi vinh quang cá nhân nơi xứ người, trở về Việt Nam, hòa mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Tại chiến khu Việt Bắc, ông cùng các giáo sư Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng đào tạo thế hệ y bác sĩ cho cách mạng.
Trong bối cảnh chiến tranh gian khổ, ông đã làm nên kỳ tích khi tổ chức sản xuất thành công "nước lọc Penicillin" – cứu chữa hàng vạn thương binh, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp. "Cần một thứ thuốc dễ thực hiện để có thể nhanh chóng chữa lành các vết thương" là điều GS. Đặng Văn Ngữ luôn trăn trở. Sau nhiều tháng ngày nghiên cứu, GS. Đặng Văn Ngữ và các cộng sự của trường Y đều nhận ra rằng "nước lọc" Penicillin có tác dụng và hiệu lực hơn cả Penicillin kết tinh nếu dùng nó để chữa trị tại chỗ các vết thương nhiễm trùng. Cách thức sản xuất là: lấy nước thân cây ngô có chứa glucose được nấu lên rồi cấy nấm bằng giống của phòng thí nghiệm tạo ra "nước lọc" Penicillin đắp lên vết thương và nó có tác dụng chữa lành, chống nhiễm trùng rất hữu hiệu. Sự nghiệp của ông tiếp tục tỏa sáng sau ngày hòa bình lập lại: xây dựng ngành Ký sinh trùng học Việt Nam từ con số không, sáng lập Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, chủ nhiệm Chương trình tiêu diệt bệnh sốt rét ở miền Bắc, đồng thời tiên phong trong ý tưởng sản xuất vaccine phòng chống căn bệnh nguy hiểm này.
Không chỉ dừng lại ở miền Bắc, ông nhận thức sâu sắc rằng muốn bảo vệ thành quả chống sốt rét phải ngăn chặn căn bệnh từ gốc rễ phía Nam. Vì thế, ông dẫn đầu đoàn công tác vượt Trường Sơn, mang theo hoài bão đẩy lùi dịch bệnh sốt rét trên các chiến trường Trung, Nam bộ. Ông đi vì muốn chữa bệnh tại chỗ cho bộ đội và muốn thử nghiệm hiệu quả của vaccine sốt rét điều chế từ thoa trùng muỗi ở quy mô và số lượng lớn hơn. Trong quá trình điều chế, ông là người tiêm cho chính mình trước rồi mới thử nghiệm cho người khác.
Chính trên hành trình này, còn chưa kịp dựng lán trại riêng để nghiên cứu thì vào lúc 14h ngày 1 tháng 4 năm 1967, GS. Đặng Văn Ngữ và những đồng nghiệp của mình đã hy sinh bởi trận bom B52 Mỹ rải thảm ở khu căn cứ thuộc địa phận phía Tây Thừa Thiên - Huế – mảnh đất quê hương yêu dấu. Trong hoàn cảnh chiến trường, cũng như bao chiến sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc, GS Đặng Văn Ngữ nằm lặng lẽ tại Trường Sơn suốt hai mươi năm cho đến khi được một người tiều phu phát hiện được mộ ông như mộ một người lính vô danh. Trong gói vải dù bọc một ít di hài của ông chỉ có một tấm biển nhôm khắc vẻn vẹn mấy chữ: Đặng Văn Ngữ 14-1967. Người ta nghĩ rằng đó là hài cốt của một chiến sĩ nào đó chưa rõ tông tích nên đã quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông còn nằm đó thêm 5 năm nữa cho đến khi gia đình và đồng đội được ông. Suốt 5 năm đó người chăm sóc hương khói cho Giáo sư Đặng Văn Ngữ là các thầy, cô giáo cùng các em học sinh Truờng Tiểu học xã Phong Mỹ. Ngôi trường nằm ngay cạnh nghĩa trang chỉ cách một con đường. Cả trường và cả địa phương đều không biết đấy là mộ của ai cho đến khi gia đình đạo diễn Đặng Nhật Minh đưa hài cốt ông về chôn cất trong nghĩa trang Đặng tộc trên núi Ngự Bình.

Hình 3: Hình ảnh tấm biển nhôm được tìm thấy cùng với thi hài của Cố Giáo sư
Tấm gương sáng của Giáo sư Đặng Văn Ngữ không chỉ ở tài năng khoa học xuất chúng, mà còn ở lòng yêu nước sâu sắc, ý chí bất khuất và tinh thần phụng sự nhân dân cao cả. Suốt đời ông đã sống và chiến đấu cho lý tưởng: khoa học phải gắn liền với cuộc đời, với vận mệnh dân tộc.
Ngày nay, nhắc đến Giáo sư Đặng Văn Ngữ, hậu thế không chỉ nhớ đến một nhà ký sinh trùng học hàng đầu, mà còn khắc ghi hình ảnh một trí thức yêu nước đã lấy tri thức và sinh mạng của mình để góp phần làm nên những trang sử vàng son của đất nước. Ông mãi mãi là niềm tự hào, là ngọn đuốc soi đường cho các thế hệ trí thức Việt Nam trên hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Hình 4: Chân dung gia đình Cố Giáo sư
(Nguồn tin: Tham khảo từ nhiều nguồn)