Hội thảo “Chủ động giám sát và phòng chống bệnh truyền nhiễm gây dịch, ngộ độc thực phẩm: Tăng cường phối hợp giữa y tế khu công nghiệp/doanh nghiệp và y tế địa phương”.
Ngày đăng: 14:34:23 04/11/2015
Trong những năm gần đây, tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng nhờ sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của chính quyền, các ban ngành liên quan và sự nỗ lực cố gắng của ngành y tế đã duy trì tốt những thành quả về công tác dự phòng, kiểm soát dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm tại khu vực phía nam.

TP. HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu là nơi tập trung số lượng lớn các khu công nghiệp (KCN)/doanh nghiệp (DN) thu hút nguồn lao động từ khắp nơi trên cả nước. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh, sự gia tăng dân số cục bộ, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng kịp với sự phát triển kinh tế - xã hội có thể dẫn đến ô nhiễm môi trường; tình trạng miễn dịch với các bệnh lưu hành tại địa phương của dân nhập cư có thể chưa đầy đủ, thói quen sinh hoạt chưa tốt và nhiều nguyên nhân khách quan khác làm cho bệnh truyền nhiễm, ngộ độc thực phẩm dễ bùng phát với quy mô lớn tại các KCN/DN.

Tuy nhiên, y tế KCN/DN và y tế địa phương tại các tỉnh, TP chưa thực sự kết nối để phối hợp trong công tác giám sát, thông tin báo cáo BTN/sự kiện y tế công cộng tại các KCN/DN. Vì vậy, việc tổ chức ứng phó, khống chế dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm gặp nhiều khó khăn, bị động làm lây lan diện rộng.

Ngày 29 -30/10/2015, được sự tài trợ của Tổ chức Y tế Thế giới, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Chủ động giám sát và phòng chống bệnh truyền nhiễm gây dịch, ngộ độc thực phẩm: Tăng cường phối hợp giữa y tế khu công nghiệp/doanh nghiệp và y tế địa phương”.

Mục tiêu: Tăng cường phối hợp giữa y tế khu công nghiệp/doanh nghiệp và y tế địa phương trong việc chủ động giám sát và phòng bệnh truyền nhiễm gây dịch và ngộ độc thực phẩm.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo

Hội thảo diễn ra tại thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai với gần 140 đại biểu đến từ 4 tỉnh/thành phố gồm TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Dương. Thành phần tham dự bao gồm:

  • Đại diện y tế địa phương gồm: lãnh đạo Sở Y tế, Trung tâm y tế dự phòng và Chi cục An toàn thực phẩm và một số quận, huyện có nhiều KCN/DN tại 4 tỉnh/thành phố.
  • Đại diện lãnh đạo và cán bộ y tế tại các KCN/DN) trên địa bàn thuộc 4 tỉnh/thành phố.
  • Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Tp HCM

Nội dung của hội thảo gồm những vấn đề sau:

  • Tình hình bệnh truyền nhiễm, ngộ độc thực phẩm thường xảy ra ở các KCN/DN tại các tỉnh phía Nam trong giai đoạn 2010-2015.
  • Giới thiệu các văn bản pháp lý tại Việt Nam quy định về việc giám sát, báo cáo bệnh truyền nhiễm, ngộ độc thực phẩm đối với các KCN/DN, vai trò của KCN/DN trong hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, sự kiện y tế công cộng.
  • Báo cáo tham luận và bài học kinh nghiệm của TP. HCM và Bình Dương về sự phối hợp giữa y tế địa phương và KCN/DN thông qua các vụ dịch não mô cầu và rubella trước đây.

Các đại biểu thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm

Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp về tổ chức, kỹ thuật nhằm tăng cường phối hợp chủ động giám sát, phòng chống dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm giữa y tế KCN/DN và y tế địa phương và dự thảo quy trình phối hợp giữa y tế địa phương và y tế KCN/DN.

Kết quả thu được từ hội thảo này sẽ được thí điểm áp dụng tại 4 tỉnh/thành phố và có thể nhân rộng trong 20 tỉnh/thành phố khu vực phía Nam

Có thể nói, đây là lần đầu tiên hội thảo được tổ chức tập trung vào sự phối hợp giữa Y tế tại các tỉnh/thành phố và KCN/DN trong giám sát bệnh truyền nhiễm, ngộ độc thực phẩm nhằm hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe người lao động và cộng đồng dân cư tại các KCN/DN trên địa bàn.

Bs. Phan Công Hùng - Khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh

Các tin khác