Tăng cường y tế cơ sở trong công tác phòng chống bệnh không lây nhiễm
Ngày đăng: 10:35:10 07/04/2018
Việt Nam đang phải giải quyết gánh nặng bệnh tật kép gồm bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm (KLN) trong đó các bệnh KLN đang gia tăng ngày càng trầm trọng, đặc biệt là các bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản. Gánh nặng của các bệnh KLN chiếm tới trên 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc.

Các bệnh KLN là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Ước tính năm 2012 cả nước có 520.000 ca tử vong các loại trong đó 379.600 (73%) ca tử vong là do các bệnh KLN, tức là cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh KLN chủ yếu là các bệnh tim mạch (33%), ung thư (18%), đái tháo đường (3%) và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (7%). Số người mắc bệnh KIN trong cộng đồng hiện nay rất lớn. Hiện tại nước ta có khoảng 12,5 triệu người mắc tăng huyết áp, 2,5 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản và mỗi năm có khoảng 125.000 người mắc mới ung thư. Bên cạnh đó, các bệnh KLN gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh KLN trong cộng đồng cũng đang ở mức cao và gia tăng. Hiện có khoảng 16 triệu người hút thuốc, cứ trong 4 nam giới có uống rượu bia thì có 1 người uống quá nhiều tức là uống trên 60g rượu nguyên chất/ngày, khoảng 80% người trưởng thành ăn thiếu rau/trái cây và 29% người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Thừa cân béo phì, tăng đường máu và rối loạn mỡ máu cũng là những yếu tố nguy cơ chưa được kiểm soát hiệu quả. Ước tính khoảng 7 triệu người đang bị thừa cân béo phì, gần 1/3 số người trưởng thành bị tăng cholesterol máu, trong khi đó tỷ lệ người 30-69 tuổi bị tiền đái tháo đường chiếm gần 13%.

Để phòng chống bệnh KLN hiệu quả đòi hỏi các giải pháp toàn diện, chăm sóc sức khỏe lấy con người làm trung tâm bao gồm kiểm soát yếu tố nguy cơ gây bệnh cùng với chủ động giám sát, phát hiện bệnh sớm, điều trị, quản lý, chăm sóc liên tục và lâu dài. Có thể phân ra các can thiệp trọng tâm cho mỗi giai đoạn phát triển của bệnh KLN và theo 4 cấp độ dự phòng:

Dự phòng cấp 0 - Can thiệp môi trường tác động vào yếu tố kinh tế, xã hội (toàn cầu hóa, đô thị hóa, già hóa... ) thông qua chính sách vĩ mô, luật, môi trường hỗ trợ... để ngăn ngừa sự phát sinh các yếu tố nguy cơ;

Dự phòng cấp 1- Can thiệp thay đổi hành vi cho những người có hành vi nguy cơ hút thuốc, lạm dụng rượu bia, có chế độ ăn không hợp lý, ít vận động thông qua hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, cải thiện môi trường ...;

Dự phòng cấp 2 - Quản lý, tư vấn và dự phòng cho người thừa cân béo phì, tăng huyết áp, tăng glucose máu và lipid máu để hạn chế chuyển thành bệnh;

Dự phòng cấp 3 - Can thiệp đối với người mắc bệnh bao gồm việc chẩn đoán điều trị tại bệnh viện (thể bệnh nặng, giai đoạn cấp tính hoặc có biến chứng) và điều trị, quản lý, chăm sóc liên tục và lâu dài (chủ yếu ở tuyến y tế cơ sở).

Ngoại trừ giai đoạn bệnh cấp tính cần điều trị tại bệnh viện, còn các giai đoạn khác đều cần các chiến lược can thiệp thuộc lĩnh vực y tế dự phòng, y tế công cộng, và được thực hiện tại cộng đồng. Như vậy y tế cơ sở có vai trò rất quan trọng trong dự phòng và kiểm soát các bệnh KLN, đặc biệt là việc quản lý, chăm sóc bệnh liên tục và lâu dài.

Hiện nay chương trình phòng, chống các bệnh KLN của Việt Nam đang nhận được sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và đạt được những kết quả quan trọng, trong đó có việc đầu tư, tăng cường y tế cơ sở để triển khai công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu phòng chống bệnh KLN.

Đối với phát triển hệ thống, Việt Nam đã có mạng lưới y tế cơ sở được phát triển rộng khắp toàn quốc tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ phòng, chống bệnh KLN. Hiện nay 99% xã, phường, thị trấn đã có nhà trạm; 78% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc (bao gồm cả các xã có bác sỹ làm việc từ 3 ngày/tuần trở lên); 78% thôn, bản, tổ dân phố đã có nhân viên y tế hoạt động, trong đó tỷ lệ này là 95% ở khu vực nông thôn, miền núi. Tỷ lệ các xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã khoảng 55% (tiêu chí mới). Khoảng 80% số trạm y tế xã trên toàn quốc đã triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Thông qua các dự án phòng chống bệnh KLN thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, mạng lưới y tế y tế cơ sở (nơi có dự án bao phủ) đã được đào tạo, tập huấn, hướng dẫn về chuyên môn và từng bước nâng cao năng lực. Y tế cơ sở cũng đã tham gia tích cực và triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức của người dân về cách phòng bệnh, phát hiện bệnh sớm để đi khám và điều trị bệnh kịp thời. Một số hoạt động như tư vấn, dự phòng cho người có nguy cơ cao mắc bệnh KLN cũng đã được triển khai ở nhiều địa phương. Các dự án đã góp phần phát hiện, điều trị, quản lý khoảng 700.000 người tăng huyết áp, 250.000 người tiền đái tháo đường và mắc đái tháo đường, khoảng 10.000 bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, công tác phòng chống bệnh KLN tại y tế cơ sở vẫn còn một số khó khăn, bất cập:

Thứ nhất là bất cập trong quản lý bệnh mạn tính: các bệnh KLN là bệnh mạn tính, một khi mắc bệnh cần phải được quản lý, điều trị liên tục và lâu dài. Hiện tại, các dịch vụ y tế ở y tế cơ sở mới phù hợp để giải quyết các bệnh cấp tính, bệnh truyền nhiễm. Việc cung ứng dịch vụ bệnh KLN còn hạn chế, đặc biệt là y tế xã chưa triển khai đồng bộ các dịch vụ quản lý và chăm sóc lâu dài - là yêu cầu đặc biệt quan trọng đối với bệnh KLN (quản lý, theo dõi, chăm sóc, phục hồi chức năng tại cộng đồng).

Thứ hai là hạn chế về nhân lực: Nguồn nhân lực tại tuyến huyện và xã còn chưa đáp ứng được nhu cầu, cán bộ kiêm nhiệm/chuyên trách còn thiếu và không ổn định. Ngoại trừ tại các vùng dự án, còn lại cán bộ y tế ở đa số các cơ sở y tế tuyến huyện, xã thiếu tài liệu hướng dẫn, thiếu đào tạo tập huấn về kiến thức chuyên môn trong phát hiện, tư vấn, dự phòng, quản lý bệnh KLN.

Thứ ba là hạn chế về nguồn tài chính: Cơ chế tài chính (Bảo hiểm y tế) chưa khuyến khích việc phát hiện, tư vấn, quản lý bệnh KLN tại tuyến xã, đặc biệt là cơ chế tài chính bảo đảm việc quản lý bệnh liên tục và lâu dài. Chương trình mục tiêu quốc gia cho các dự án bệnh KLN bị cắt giảm kinh phí qua các năm (năm 2014 và 2015 bị cắt giảm 50 -70%). Hiện nay Bộ Y tế mới đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất xây dựng quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng trên cơ sở các khoản đóng góp bắt buộc từ các hoạt động kinh doanh thuốc lá, rượu bia để đầu tư cho hoạt động.

Với mục đích tăng cường y tế cơ sở để thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu trong giám sát, dự phòng, phát hiện sớm và quản lý, điều trị bệnh KLN liên tục và lâu dài theo chức năng nhiệm vụ, trong thời gian tới, y tế cơ sở cần tập trung vào những nội dung sau: (1) Triển khai các chương trình phòng chống yếu tố nguy cơ, xây dựng cộng đồng/nơi làm việc vì sức khỏe, cung cấp các dịch vụ tư vấn cai nghiện thuốc lá, giảm tác hại rượu bia, hướng dẫn, giáo dục về dinh dưỡng, vận động; (2) Phát hiện sớm, tư vấn và dự phòng cho người nguy cơ cao, người tiền bệnh; (3) Tiêm vắc xin dự phòng một số ung thư như tiêm phòng viêm gan…; (4) Phát hiện sớm một số bệnh KLN đồng thời cung cấp các dịch vụ quản lý, chăm sóc liên tục và lâu dài cho người bệnh bao gồm điều trị, quản lý theo chỉ định tuyến trên và thực hiện tự quản lý điều trị đối với một số bệnh KLN ở những cơ sở đủ điều kiện.

Để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trên, một số giải pháp đề xuất để tăng cường y tế cơ sở trong giai đoạn tới bao gồm:

Thứ nhất: Hoàn thiện hệ thống phát hiện, chẩn đoán, điều trị và quản lý, chăm sóc lâu dài đối với bệnh KLN. Thực hiện phân tuyến kỹ thuật, quy định rõ nhiệm vụ tuyến huyện, xã, đặc biệt trong điều trị, quản lý bệnh: Tuyến huyện thực hiện chẩn đoán, điều trị được một số bệnh KLN chủ yếu và hỗ trợ chuyên môn cho tuyến xã; tuyến xã cung cấp dịch vụ quản lý, chăm sóc liên tục và lâu dài; cộng đồng triển khai các hoạt động hỗ trợ tự quản lý bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe…

Thứ hai: Phát triển nguồn nhân lực y tế cơ sở trong đó chú trọng xây dựng các hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật cho y tế cơ sở, tăng cường đào tạo trong các trường trung cấp, cao đẳng và đại học y về phòng chống bệnh KLN. Ngành y tế cần ưu tiên đầu tư phát triển mạng lưới bác sỹ gia đình đồng thời triển khai chương trình tập huấn, đào tạo lại cho cán bộ y tế tuyến cơ sở để bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ y tế hiện tại trong phòng chống bệnh KLN.

Thứ ba: Bảo đảm nguồn lực cho hoạt động phòng, chống bệnh KLN tại y tế cơ sở. Xây dựng gói dịch vụ cơ bản cho tuyến xã bao gồm các dịch vụ về bệnh KLN (thuốc, trang thiết bị, kinh phí, dịch vụ…), đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là chính sách về bảo hiểm y tế để khuyến khích tuyến xã phát hiện, quản lý bệnh không lây nhiễm theo chức năng nhiệm vụ. Để có nguồn tài chính bền vững, cần thiết phải nghiên cứu, đề xuất và trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng để đầu tư cho hoạt động phòng chống bệnh KLN nói chung và tăng cường y tế cơ sở nói riêng.

Đăng bởi: Phạm Huy - TTĐT

Các tin khác