Thông tin cập nhật về Dịch Ebola ở Congo
Ngày đăng: 09:50:33 31/05/2017
Bệnh do vi rút Ebola (trước đây gọi là sốt xuất huyến Ebola) là bệnh tiến triển nặng, nguy cơ tử vong rất cao. Trong các vụ dịch trước đây, tỷ lệ tử vong dao động từ 25% đến 90%. Vi rút Ebola lan truyền từ động vật hoang dại đến người và sau đó có thể lan truyền từ người sang người trong cộng đồng.

Kể từ khi 2 vụ dịch do vi rút Ebola ghi nhận gần như đồng thời ở Nzara, Nam Sudan và Yambuku, Congo (Yambuku là làng nhỏ gần dòng sông Ebola, nên vi rút được đặt tên theo tên dòng sông) vào năm 1976, dịch ngày càng được báo cáo ở các quốc gia khác với tổng số 28.616 trường hợp Ebola với 11.310 bệnh nhân tử vong (tính đến trường hợp cuối cùng ghi nhân Ebola vào tháng 5 năm 2016). Phần lớn số mắc và tử vong ở 3 nước Tây Phi là Guinea, Sierra Leone và Liberia.

Cộng hòa Congo đã ghi nhận 7 vụ dịch (mắc/chết) trước đây vào các năm 1976, 1977, 1995, 2007, 2008-2009, 2012 và 2014 với tổng số 1060 trường hợp mắc và 811 bệnh nhân tử vong. Tỷ lệ tử vong ở Congo trong thời gian này là 76,5%.

Vụ dịch Ebola thứ 8 này được Bộ Y tế Congo thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới vào ngày 11 tháng 5 năm 2017 về những chùm trường hợp bệnh và tử vong chưa rõ nguyên nhân từ cuối tháng 4 năm 2017 ở Likati là vùng sâu nằm giữa 2 tỉnh của Congo và giáp biên giới Cộng Hòa Trung Phi nên công tác tiếp cận rất khó khăn vì hạ tầng giao thông còn kém.

Tích lũy từ đầu vụ dịch này đến ngày 28 tháng 5 năm 2017, tại Likati ghi nhận 19 bệnh nhân, trong đó 2 trường hợp được chẩn đoán xác định bằng xét nghiệm. Đã có 4 bệnh nhân tử vong, trong đó có một trường hợp có xét nghiệm dương tính.

Bộ Y tế Congo đang tích cực tiến hành điều tra và phòng chống dịch với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức quốc tế thuộc Liên Hiệp Quốc hoặc các tổ chức phi chính phủ tại. Một số hoạt động chuyên môn như: giám sát tích cực bằng xác định các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và người tiếp xúc. Tập huấn cho cán bộ y tế địa phương về giám sát bệnh do vi rút Ebola và chủ yếu là chẩn đoán bệnh và theo dõi các trường hợp tiếp xúc. Thiết lập thêm một phòng xét nghiệm tại bệnh viện đa khoa ở Buta để hỗ trợ xét nghiệm Ebola bằng kỹ thuật PCR cũng như giúp chẩn đoán phân biệt ở các bệnh nhân mà kết quả xét nghiệm âm tính với vi rút Ebola.

Vắc xin phòng bệnh do vi rút Ebola như vắc xin tái tổ hợp rVSV-ZEBOV đã được tiến hành thử nghiệm lâm sàng từ năm 2015 và bước đầu chứng mình có hiệu quả trong việc phòng bệnh. Nhà sản xuất và các tổ chức có liên quan đang thực hiện việc hoàn thành hồ sơ để được cấp phép sử dụng.

Tổng hợp: Nguyễn Thị Na

Các tin khác