Vắc xin HPV an toàn
Ngày đăng: 03:05:45 18/08/2016
P/v ông Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM. Cho đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Y tế Mỹ (CDC) đánh giá vắc xin HPC an toàn và khuyến cáo sử dụng nhằm giảm tỉ lệ ung thư cổ tử cung (CTC). Trước lo ngại về nguy cơ rối loạn miễn dịch và thần kinh sau tiêm vắc xin, tháng 02/2014, sau khi xem xét các bằng chứng, WHO đã công bố không có sự tăng nguy cơ bệnh từ miễn bao gồm cả bệnh đa xơ cứng ở trẻ em gải tiêm HPV.

Xin ông cho biết về tính an toàn của vắc xin ngừa virus HPV (virus được cho là gây 70-80% các ca ung thư cổ tử cung)?

Về nguyên tắc vắc xin được đánh giá về tính an toàn khắt khe hơn so với các thuốc hoá dược nói chung. Ngoài ra, khi lưu hành trên thị trường, hệ thống y tế luôn sẵn sàng ghi nhận các tác dụng ngoại ý khi sử dụng trên thực tế. Hầu hết các phản ứng sau tiêm vắc xin HPV là các phản ứng tại chỗ tiêm như sưng, đỏ , đau (78-83%) mức độ nhẹ, trung bình. Các phản ứng toàn thân thường gặp như nhức đầu (26-30%), sốt (13%), rối loạn dạ dày-ruột (13-17%), đau cơ-khớp (2-28%). Các tác dụng này thường nhẹ và tự khỏi, hầu hết những người được tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV không có bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào. Cho đến nay, WHO đánh giá vắc xin HPV an toàn và khuyến cáo sử dụng nhằm giảm tỷ lệ ưng thư CTC. Tổ chức CDC theo dõi qua dữ liệu an toàn sau cấp phép từ 2006-2014 đã công bố HPV an toàn, hầu hết các phản ứng sau tiêm nếu có cũng ở mức độ nhẹ, ngay cả mối quan ngại nhất là ngất sau tiêm cũng không khác so với tỷ lệ của các vắc xin khác.

Tuy nhiên hiện nay vắc xin này vẫn còn là mối lo ngại của nhiều người dân nhất là khi đã có 1 trường hợp tử vong vào năm 2013 tại Tp.HCM sau khi tiêm vắc xin. Ông nói sao về điều này?

Từ khi được cấp phép (năm 2008) đến nay, đã có hơn 1,4 triệu liều vắc xin HPV được nhập khẩu và phân phối tại Việt Nam. Trường hợp năm 2013 là cô gái 17 tuổi nhưng sau đó kết quả khám nghiệm tử thi phát hiện phù phổi cấp, không liên quan đến tiêm chủng. . Hệ thống báo cáo các phản ứng sau tiêm chủng của Việt Nam năm 2015 cũng được WHO đánh giá và công nhận. Tại Mỹ, hệ thống tự báo cáo các phản ứng phụ sau tiêm đối với tất cả loại vắc xin trong năm 2011-2016 không ghi nhận sự gia tăng các báo cáo về phản ứng sau tiêm vắc xin HPV so với hơn 70 loại vắc xin khác đang lưu hành tại Mỹ.

Việc tiêm vắc xin ngừa vi rút HPV liệu có khả năng phòng ngừa các chủng hay gặp ở Việt Nam hay không, vì qua nghiên dịch tễ cho thấy các chủng vi rút HPV thường gặp ở Việt Nam lại khác với các chủng thường gặp khác ở nước ngoài?

Đối với các nước đã đưa vắc xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, hoặc tiêm chủng rộng rãi, thì hạn chế nguyên nhân ung thư cổ tử cung từ các chủng có trong vắc xin và các chủng có nguy cơ cao khác có thể xuất hiện với tỉ lệ cao hơn. Với việc mở rộng giao lưu trên thế giới, các chủng này cũng sẽ là nguy cơ cao xâm nhập vào các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do đó việc tiêm phòng vắc xin này đúng lịch, đủ liều sẽ bảo vệ được nguy cơ ung thư CTC từ các chủng có trong vắc xin tiêm phòng. Trong một số trường hợp việc bảo vệ một số chủng này có thể có bảo vệ chéo cho các chủng khác. Vì vậy trong khi chúng ta chưa có loại vắc xin nào có chứa hết các chủng nguy cơ cao, thì việc sử dụng vắc xin hiện có là có ý nghĩa trong việc phòng ngừa và giảm nguy cơ ung thư CTC và các loại ung thư, bệnh lý khác có liên quan đến HPV.

Trong tương lai, Việt Nam có đưa vắc xin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng hay không, thưa ông?

Ung thư CTC chiếm tỉ lệ hàng đầu trong số các ung thư ở phụ nữ. Hằng năm có 490.000 ca ung thư CTC mới được phát hiện và hơn 270.000 ca tử vong. WHO khuyến cáo nên đưa vắc xin HPV vào chương trình tiêm chủng quốc giáo ở các quốc gia mà ung thư CTC và các bệnh liên quan đến HPV là một vấn đè sức khoẻ cộng đồng được ưu tiên và nên cân nhắc đến sự phù hợp về chi phí – hiệu quả. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất và tiêm chủng mở rộng là điểm sáng của ngành y tế và sẽ cố gắng đưa càng nhiều vắc xin vào chương trình tiêm chủng mở rộng.

Nguồn: VnEconomy

Các tin khác