Viêm màng não do não mô cầu
Ngày đăng: 19:20:58 14/01/2014

Hiện nay, theo các báo cáo của Cục y tế Dự phòng - Bộ Y tế, dịch bệnh viêm màng não do não mô cầu đã lan rộng tại năm tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Chúng ta nên làm gì để bảo vệ người thân và hạn chế lây lan của dịch bệnh này? Cấp độ nguy hiểm của bệnh là như thế nào? Phòng khám Victoria Healthcare xin chia sẻ một số thông tin về bệnh viêm màng não do não mô cầu.

Bệnh viêm màng não do não mô cầu xuất phát từ đâu?

Đây là bệnh gây ra do vi khuẩn Neisseria meningitidis - là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây viêm màng não do vi khuẩn và là một nguyên nhân quan trọng gây ra nhiễm trùng huyết, đó là tình trạng các vi khuẩn xâm nhập vào máu và gây tổn thương nặng nề cho nhiều cơ quan quan trọng. Trong 12 nhóm huyết thanh N. meningitidis đã được xác định, có 6 nhóm (A, B, C, W135, X và Y) có thể gây ra dịch bệnh. Sự phân bố vị trí địa lý và bùng phát dịch khác nhau tùy theo nhóm huyết thanh.

Viêm màng não do não mô cầu là sự nhiễm trùng của lớp màng bao quanh não và tủy sống. Nó có thể gây tổn thương não nghiêm trong và tỉ lệ tử vong là 50% nếu không được điều trị. Ngay cả trong trường hợp đã được điều trị, tỷ lệ tử vong là khoảng 15%.

Đâu là dấu hiệu và triệu chứng nhiễm bệnh?

Viêm màng não:

Các triệu chứng phổ biến nhất là cứng cổ, sốt cao, nhạy cảm với ánh sáng, lơ mơ, nhức đầu và nôn ói.

Nhiễm trùng huyết do não mô cầu (Meningococcemia) là tình trạng các vi khuẩn xâm nhập vào máu:

Ít phổ biến hơn và các triệu chứng là sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau cơ, dau chân tay, lừ đừ, mệt lả và phát ban. Bệnh thường diễn tiến nhanh chóng. Thể cấp tính và nặng nhất của nhiễm trùng Não mô cầu (hay còn gọi là thể tối cấp) thường xuất hiện ban có hình giống bản đồ trên thân người và chi dưới, biến chứng chảy máu, suy đa cơ quan, và sốc. Tử vong có thể xảy ra chỉ trong vòng vài giờ phát bệnh.

Ai có nguy cơ mắc bệnh?
Những người sống cùng nhau trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 2 tuổi.
Thanh thiếu niên 16-21 tuổi
Học sinh - sinh viên sống trong ký túc xá và các sĩ quan, tân binh tập kết trong các doanh trại quân đội.
Bệnh nhân có tình trạng sức khỏe đặc biệt như cắt bỏ lách hoặc một số khiếm khuyết của hệ thống miễn dịch.

Vi khuẩn lây lan như thế nào?

Có đến 10-20% thanh thiếu niên mang vi khuẩn này trong miệng và mũi, mặc dù tỷ lệ này sẽ khác nhau tùy theo độ tuổi và mật độ dân cư. Phần lớn những người mang vi khuẩn này không biểu hiện bệnh. Vi khuẩn lây lan từ người này sang người khác qua dịch tiết đường hô hấp (ho, hắt hơi hoặc hôn) và đòi hỏi phải tiếp xúc gần gũi. Tuy nhiên, nó không lây nhiễm dễ dàng như siêu vi cúm hoặc cảm. Bệnh nhân sau khi được điều trị kháng sinh phù hợp phải hơn 24 giờ mới không còn khả năng lây bệnh.

Có thể phòng ngừa viêm màng não do não mô cầu bằng tiêm chủng. Những người đã tiếp xúc gần gũi với người mắc bệnh nên được điều trị ngay bằng kháng sinh phòng ngừa.

Đây là một bệnh nguy hiểm với khả năng bùng phát dịch. Viêm màng não do não mô cầu được xem như một cấp cứu y khoa và nếu bạn có những triệu chứng diển hình của bệnh, cần gặp ngay bác sĩ. Đây là bệnh có thể điều trị được bằng kháng sinh và không được trì hoãn.

Khuyến cáo:

Duy trì thói quen giữ gìn vệ sinh cá nhân
Đã có các vắc-xin ngừa được một số chủng viêm màng não do não mô cầu. Những đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh (như học sinh, sinh viên nội trú,..) nên cân nhắc tiêm ngừa vắc-xin viêm màng não do mô cầu A và C.

Một số lời khuyên giúp bảo vệ bản thân và người khách tránh bị nhiễm bệnh:
Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sát khuẩn
Tránh chạm tay vào miệng, mũi và mắt
Tránh các tiếp xúc gần gũi như hôn, nếu có thể.
Tránh ăn uống chung và sử dụng chung đồ dùng.
Nếu bạn có triệu chứng nhiễm bệnh hãy đến ngay các cơ quan y tế.

Các tin khác