BỆNH DO NÃO MÔ CẦU & CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG
1. Bệnh do não mô cầu là gì?
Bệnh do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Vi khuẩn não mô cầu có 13 type huyết thanh, trong đó 5 type A,B,C,Y,W-135 gây bệnh cho trên 90% các trường hợp nhiễm não mô cầu trên toàn thế giới [1, 2].
Bệnh do não mô cầu lưu hành ở mọi nơi trên thế giới, bệnh thường tản phát và có thể gây những vụ dịch nhỏ nhưng cũng có thể thành những vụ dịch lớn. Mặc dù có kháng sinh và cả vaccine có hiệu quả, não mô cầu vẫn là một trong những nguyên nhân gây viêm màng não và nhiễm trùng nặng hàng đầu trên thế giới, gây tử vong nhanh chóng cho một người trước đó còn khoẻ mạnh bình thường ... [2].
Tại Việt Nam, bệnh lưu hành rải rác, mặc dù bệnh chỉ xuất hiện những trường hợp đơn lẻ trong năm nhưng vẫn có thể gây thành dịch lúc thời tiết lạnh: mùa thu, đông, xuân đặc biệt tại các có nguy cơ cao phát sinh ca bệnh như những nơi đông dân cư, chật chội, điều kiện vệ sinh kém và nơi tập trung đông người có sự luân chuyển người mới/người cũ …[1, 3].
Tại KVPN, sau năm 2012 chúng ta ghi nhận các ca bệnh rải rác hàng năm, chủ yếu do type B gây bệnh, tuy nhiên giám sát chủ động của hệ thống y tế cũng ghi nhận type C. Trong 4 tháng đầu năm 2025, số ca mắc bệnh do não mô cầu có xu hướng gia tăng cục bộ ở một số địa phương, tập trung nhiều ở các tỉnh Đông Nam Bộ. Các ca được ghi nhận rải rác trong cộng đồng. Các khu vực có nguy cơ cao phát hiện ca bệnh gồm những nơi đông dân cư, chật chội, điều kiện vệ sinh kém và nơi tập trung đông người có sự luân chuyển người mới/cũ. Dự báo thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận thêm các ca bệnh mới nếu không sớm triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch từ sớm, từ xa theo đúng các hướng dẫn của Bộ Y tế.
2. Bệnh này thường xảy ra ở những đối tượng nào? Bệnh lây lan qua những con đường nào?
Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, nơi đông dân cư, chật chội, điều kiện vệ sinh kém...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp [1, 2].
Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người. Bởi vậy, nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang trùng. Trong cộng đồng, tỷ lệ người mang vi khuẩn không có triệu chứng lâm sàng (người lành mang trùng) ở mũi, hầu, họng từ 5% - 25%. Trong vụ dịch, có thể có trên 25% số người bị nhiễm vi khuẩn không có biểu hiện lâm sàng điển hình và có tới trên 50% số người khoẻ mang vi khuẩn não mô cầu. Đó là những nguồn lây rất quan trọng của bệnh trong cộng đồng [1].
Mọi người đều có cảm nhiễm với vi khuẩn não mô cầu nhưng tỷ lệ mắc bệnh có biểu hiện lâm sàng thấp và tỷ lệ mắc bệnh giảm dần theo lứa tuổi. Điều này đồng nghĩa rằng trẻ em và thanh thiếu niên là nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao nhất và cũng là nhóm có số người lành mang vi khuẩn nhiều nhất [1]. Ngoài ra, một số yếu tố thuận lợi làm thúc đẩy trở thành người mang trùng hay nhiễm bệnh đó là sống chung nhà với người bệnh hay người lành mang trùng, sống ở những nơi tập thể đông đúc, hút thuốc lá chủ động hay thụ động, vừa bị nhiễm siêu vi hô hấp gần đây…
Bệnh lây truyền qua giọt bắn đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng) [1 – 3].
3. Các biểu hiện, triệu chứng của bệnh là gì? Tác hại của bệnh ra sao?
Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, thông thường từ 3- 4 ngày. Thời kỳ lây truyền của bệnh tuỳ thuộc vào sự tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi họng của người nhiễm khuẩn, có thể từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến 24 giờ sau khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu [1, 3].
Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng: sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc có thể hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc [1, 2].
Bệnh do não mô cầu có biểu hiện lâm sàng đa dạng, gồm các thể bệnh: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim, ... trong đó viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết là thường gặp hơn. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8-15% [3, 4].
4. Nếu bệnh trở thành dịch thì người dân cần làm gì khi ở trong vùng dịch bệnh?
Mục tiêu hàng đầu của y tế dự phòng là không để bùng phát dịch bệnh và đối với những bệnh đã có vắc xin như não mô cầu thì tiêm vắc xin phòng bệnh luôn là biện pháp ưu tiên. Tuy nhiên trong trường hợp xuất hiện ca bệnh thì việc khống chế, khoanh vùng, kịp thời xử lý ngay từ ban đầu, tránh lây lan trong cộng đồng dân cư và khi dịch bùng phát, người dân cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của cán bộ y tế và tự áp dụng các biện pháp phòng chống như:
- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: rửa tay bằng xà phòng; súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn và trẻ nhỏ cần được giữ ấm.
- Thực hiện tốt việc vệ sinh, tạo thông thoáng nơi ở, nơi làm việc.
- Khi hắt hơi hay ho cần lấy khăn che miệng hoặc đeo khẩu trang khi bị viêm đường hô hấp.
- Không nên tập trung nơi đông người và hạn chế tiếp xúc với người nghi mắc bệnh.
- Khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời [1, 3].
Tài liệu tham khảo
1. Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm (2009). Cục Y tế dự phòng.
2. Harrison’s infectious diseases (2010). Dennis L. Kasper, Anthony S. Fauci
3. Quyết định 3897/QĐ-BYT năm 2012. Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh do não mô cầu. Bộ Y tế.
4. Giáo trình Bệnh học truyền nhiễm (2005). Nhà xuất bản Y học.
Nguồn Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm