Bệnh do Cờ - la - my - đi - a
Ngày đăng: 13:50:51 24/10/2014
Bệnh do Cờ - la - my - đi - a (Chlamydia) thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

BỆNH DO CỜ - LA - MY - ĐI - A

(Chlamydiasis trachomatis infection of the adult)

ICD-10 A56: Genital Infections Chlamydia

Bệnh do Cờ - la - my - đi - a (Chlamydia) thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

  1. Đặc điểm của bệnh: Chlamydia trachomatis (C. trachomatis) gây 02 bệnh chính:

- Bệnh đau mắt hột

- Bệnh đường sinh dục : bệnh viêm niệu đạo và viêm cổ tử cung do Clamydia và bệnh hột soài.

Bài này chỉ trình bày nhiễm chlamydia bệnh đường sinh dục, không đề cập đến bệnh hột xoài (Lymphogranuloma Venereum hay bệnh Nicolas Favre). Bệnh mắt hột được trình bày bài riêng.

1.1. Định nghĩa ca bệnh

- Ca bệnh lâm sàng: Chlamydia trachomatis gây bệnh ở đường sinh dục với các triệu chứng lâm sàng sau đây:

Nam giới:

+ Viêm niệu đạo với các biểu hiện: cảm giác nóng rát dọc niệu đạo, đái buốt, đái rắt, dịch niệu đạo trắng đục hoặc trong, số lượng ít, hoặc vừa.

+ Viêm mào tinh hoàn và viêm tuyến tiền liệt: đau, phù nề một bên bìu, sốt.

Nữ giới:

+ Viêm cổ tử cung tiết dịch mủ nhầy, lộ tuyến phì đại, phù nề, xung huyết, dễ chảy máu.

+ Ngoài ra có thể gặp một số triệu chứng khác như viêm tuyến Bartholin, viêm nội mạc tử cung, viêm vòi trứng.

+ Đa số phụ nữ nhiễm C. trachomatis không có biểu hiện lâm sàng nên không phát hiện được. Vì vậy, có thể xảy ra các biến chứng như viêm vùng tiểu khung, chửa ngoài tử cung, vô sinh.

- Xác định bệnh:

+ Tìm thấy C. trachomatis trong bệnh phẩm lấy từ đường sinh dục

+ Phát hiện kháng thể kháng C. trachomatis trong máu.

1.2. Chẩn đoán phân biệt: Cần phân biệt với một số bệnh lây truyền qua đường tình dục sau đây:

- Bệnh lậu: Đái rắt, đái buốt, đái mủ màu vàng, vàng xanh, số lượng nhiều.

- Viêm âm đạo do trùng roi (Trichomonas vaginalis): Khí hư có bọt, mùi hôi.

- Viêm âm đạo do nấm men Candida anbicans, khí hư trắng như sữa.

1.3. Xét nghiệm:

- Bệnh phẩm: dịch âm đạo, dịch niệu đạo, máu

- Phương pháp:

+ Phương pháp hiển vi: Nhuộm Giemsa bệnh phẩm soi kính hiển vi

+ Nuôi cấy phân lập Chlamydia trên môi trường chuyên biệt

+ Phương pháp miễn dịch: Tìm kháng thể kháng C. trachomatis trong máu bệnh nhân bằng kỹ thuật ELIZA, kỹ thuật sắc ký.

+ Phương pháp sinh học phân tử PCR

  1. Tác nhân gây bệnh:

- Chlamydia là một vi khuẩn đặc biệt ký sinh bắt buộc trong tế bào sống, hình cầu, có kích thước trung gian giữa vi khuẩn và vi rút. Chlamydia có ba loài:

+ Chlamydia psittaci: Thường có ở chim và có thể lây cho người gây sốt vẹt.

+ Chlamydia pneumoniae: Gây bệnh đường hô hấp, lây từ người sang người.

+ Chlamydia trachomatis: Gây bệnh đường sinh dục và bệnh đau mắt hột.

- Chlamydia dễ bị chết khi ra ngoài tế bào kí sinh, bị chết nhanh bởi các thuốc sát khuẩn thường dùng

  1. Đặc điểm dịch tễ: Nhiễm Chlamydia trachomatis chủ yếu là do lây truyền qua đường tình dục. Bệnh này có xu hướng ngày một gia tăng trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính hàng năm có khoảng 90 triệu trường hợp mới nhiễm C. trachomatis được phát hiện. Tỉ lệ nhiễm vi khuẩn này ở người lớn tại Nam Thái Bình Dương là 73%, Papua New Guinea là 20%, Nhật Bản 7,0%, Việt Nam 2,3%, Senegan 7,0%. Việt Nam, một nghiên cứu tại Hà Nội năm 2003 cho kết quả : tân binh 9%, phụ nữ có thai 1,5%, người khám STD 1,5%, gái mại dâm 5,0%. Nghiên cứu khác tại 15 tỉnh biên giới trên phụ nữ mại dâm cho kết quả : 11,9% cho kết quả nhiễm chlamydia.
  2. Nguồn truyền nhiễm: Chlamydia trachomatis chứa trong các dịch tiết ở cổ tử cung, âm đạo, niệu đạo. Những người bị nhiễm C. trachomatis không được điều trị và không có biểu hiện lâm sàng có khả năng lây lan nhiều nhất nếu quan hệ tình dục không an toàn.
  3. Phương thức lây truyền:

- Nhiễm khuẩn C. trachomatis chủ yếu qua quan hệ tình dục không được bảo vệ. Các yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm là bị nhiễm HIV/AIDS, bị các bệnh lây qua đường tình dục khác, quan hệ tình dục với nhiều người…

- Những bà mẹ có mang nếu bị nhiễm C. trachomatis không được điều trị sẽ có khả năng lây cho trẻ sơ sinh lúc đẻ.

  1. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Bất kỳ lứa tuổi nào có quan hệ tình dục không được bảo vệ đều có khả năng nhiễm C. trachomatis. Cả hai giới đều có tính cảm nhiễm như nhau. Đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với vi khuẩn này rất yếu.
  2. Các biện pháp phòng bệnh:

7.1. Biện pháp dự phòng:

- Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ, hành vi tình dục an toàn.

- Vệ sinh phòng bệnh: Đối với những đối tượng có hành vi nguy cơ cao, cần có kế hoạch tư vấn, khám và xét nghiệm định kỳ để phát hiện các nhiễm trùng qua đường tình dục, trong đó có nhiễm C. trachomatis.

- Đối với các bà mẹ có thai, cần khám và làm xét nghiệm theo qui định ba tháng một lần để điều trị kịp thời nếu có nhiễm C. trachomatis.

7.2. Nguyên tắc điều trị:

+ Điều trị đúng phác đồ qui định. Phác đồ điều trị cụ thể như sau:

Azithromycin 1g: uống liều duy nhất, hoặc:

Doxycyclin 100mg: uống 2 lần/ngày, trong 7 ngày.

                        Đối với phụ nữ có thai dùng các thuốc sau:

            Erythromycin base 500mg, uống 4 lần/ngày, trong 7 ngày, hoặc:

            Amoxicillin 500mg: uống 3 lần/ngày, trong 7 ngày.

+ Điều trị cả bạn tình.

+ Kết hợp tư vấn về an toàn tình dục.

7.3. Kiểm dịch y tế biên giới: Không có chế độ kiểm dịch y tế biên giới đối với nhiễm trùng do Chlamydia.

Nguồn Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm

Các tin khác