Bệnh ru - bê - ôn
Ngày đăng: 08:25:08 22/10/2014
Bệnh ru-bê-ôn thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

BỆNH RU-BÊ-ÔN

(Rubeola)

ICD-10 B06: Rubella

       Bệnh ru-bê-ôn thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

  1. Đặc điểm của bệnh.

1.1. Định nghĩa ca bệnh:

Bệnh ru-bê-ôn là bệnh nhiễm vi rút cấp tính, khởi đầu sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi, viêm mũi xuất tiết nhẹ và viêm màng kết mạc mắt. Sau đó, sưng hạch bạch huyết ở sau tai, chẩm, sau cổ và phát ban khoảng 5 - 10 ngày. Ban xuất hiện ở mặt, sau lan toàn thân và gần giống ban sởi hoặc ban của bệnh sốt tinh hồng nhiệt. Khoảng 50% trường hợp mắc bệnh ru-bê-ôn không có phát ban. Bệnh thường giảm bạch cầu, có thể giảm cả tiểu cầu nhưng rất ít biểu lộ xuất huyết. Thể bán lâm sàng của bệnh ru-bê-ôn chiếm tỷ lệ cao ở cả trẻ em và người lớn.

Bệnh có biến chứng đau khớp, nhất là ở phụ nữ và biến chứng viêm não thường gặp ở người lớn.

Bệnh ru-bê-ôn, kể cả trường hợp bị nhiễm bệnh ẩn tính, thường nghiêm trọng đối với phụ nữ có thai, bởi vì khi bào thai bị nhiễm vi rút sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi. Khoảng 90% số trẻ sinh ra bị mắc Hội chứng ru-bê-ôn bẩm sinh (CRS: congenital rubella syndrome) do người mẹ bị mắc bệnh ru-bê-ôn trong 3 tháng đầu mang thai. Nguy cơ bị dị tật bẩm sinh giảm xuống từ 10%-20% khi mẹ có thai ở tuần thứ 16 bị nhiễm vi rút và rất hiếm gặp dị tật ở tuần thứ 20 của thời kỳ thai nghén. Nếu thai nhi bị nhiễm vi rút sớm sẽ có nguy cơ bị chết trong tử cung, sẩy thai tự nhiên hoặc dị dạng bẩm sinh ở các cơ quan chủ yếu của thai nhi. Những dị tật bẩm sinh có thể là đơn thuần hoặc kết hợp như: điếc, đục thủy tinh thể, tật mắt nhỏ, bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh, tật đầu nhỏ, viêm màng não-não, chậm phát triển tinh thần, thông ống động mạch (ống Botal), có hang trong buồng tim hoặc dị tật thông vách ngăn giữa các buồng tim, ban xuất huyết, to gan-lách, vàng da và bệnh mềm xương. Bệnh tiểu đường do insulin cũng được coi là một dị tật muộn của hội chứng ru-bê-ôn bẩm sinh (CRS).

- Ca bệnh lâm sàng: Đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, sốt nhẹ, chán ăn. Sau đó, phát ban dạng sởi, sưng hạch bạch huyết ở sau tai, chẩm và sau cổ. Bạch cầu giảm và có thể giảm tiểu cầu.

- Ca bệnh xác định: Xét nghiệm ELISA (+) hoặc phân lập được vi rút Rubella (+).

1.2. Chẩn đoán phân biệt với một số bệnh tương tự: Bệnh sởi, bệnh tinh hồng nhiệt và phát ban do dị ứng.

1.3. Xét nghiệm:

- Loại mẫu bệnh phẩm:

Mẫu huyết thanh 1 được lấy càng sớm càng tốt khoảng 7-10 ngày đầu mắc bệnh và mẫu huyết thanh 2 được lấy khoảng 7-14 ngày sau đó.

Dịch tiết ở mũi họng bệnh nhân khoảng 1 tuần trước đến 2 tuần sau khi bắt đầu phát ban. Ngoài ra có thể phân lập virút từ máu, nước tiểu hoặc phân của bệnh nhân.

Trong trường hợp sẩy thai nhiều lần, có thể lấy mảnh thai để phân lập vi rút.

- Phương pháp xét nghiệm:

Xét nghiệm huyết thanh: Thường dùng kỹ thuật MAC-ELISA và kỹ thuật ức chế ngưng kết hồng cầu.

Phân lập vi rút rubella trên nuôi cấy tế bào.

  1. Tác nhân gây bệnh.

- Tên tác nhân là vi rút Rubella thuộc giống Rubivirus, họ Togaviridae.

- Hình thái : Vật liệu di truyền của vi rút Rubella là bộ gen ARN được bao quanh một vỏ capsid hình xoắn ốc, ngoài cùng là vỏ của vi rút với bản chất là lipid có đường kính khoảng 50 - 60 nm. Hạt vi rút chỉ có một týp kháng nguyên duy nhất.

- Khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài: Vi rút chỉ tồn tại và nhân lên trong tế bào của cơ thể. Sức đề kháng của vi rút Rubella rất yếu cũng như vi rút sởi và dễ bị mất tính gây nhiễm bởi nhiệt độ, ánh sáng và thuốc sát khuẩn thường dùng.

  1. Đặc điểm dịch tễ học.

- Bệnh ru-bê-ôn lưu hành rộng rãi trên thế giới và trở thành bệnh lưu hành địa phương ở nhiều nơi. Bệnh thường xuất hiện trong mùa đông - xuân. Ở Mỹ đã có vụ dịch ru-bê-ôn lớn vào năm 1935, 1943, 1964 và ở Australia năm 1940.

- Trước năm 1969, khi chưa có vắc xin , dịch ru-bê-ôn bùng nổ ở Mỹ có tính chu kỳ khoảng 6 - 9 năm và bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em mắc bệnh nhiều nhất và số trẻ mắc bệnh ru-bê-ôn còn nhiều hơn so với trẻ mắc bệnh sởi và bệnh thủy đậu. Sau nhiều năm thực hiện tốt việc gây miễn dịch bằng vắc xin rubella thì ở đây bệnh xuất hiện nhiều ở người lớn và tỷ lệ mắc hội chứng ru-bê-ôn bẩm sinh đã giảm xuống rõ rệt ở Mỹ, Canada từ năm 1979.

- Bệnh ru-bê-ôn ở Việt Nam chưa được theo dõi có hệ thống và có ít công trình điều tra về bệnh này. Sau khi thực hiện tốt chương trình gây miễn dịch sởi phổ cập cho trẻ em thì tỷ lệ mắc bệnh sởi đã giảm xuống rõ rệt và khoảng 10 năm gần đây thấy xuất hiện nhiều trường hợp sốt phát ban dạng sởi, nghi ru-bê-ôn, có nơi xảy ra dịch nhỏ ở tỉnh Thái Bình, Yên Bái, Hưng Yên, Hà Nội, Hải Phòng v.v... Nhiều bệnh nhân trong các vụ dịch này đã được chẩn đoán xác định bệnh ru-bê-ôn bằng xét nghiệm MAC-ELISA. Số mắc bệnh ru-bê-ôn được xác định xuất hiện nhiều ở lứa tuổi đi học và có một số ít ở người lớn. Chưa có thông báo về hội chứng ru-bê-ôn bẩm sinh ở Việt Nam.

  1. Nguồn truyền nhiễm.

- Ổ chứa của vi rút trong tự nhiên là người.

- Thời gian ủ bệnh khoảng 16 - 18 ngày, có thể dao động từ 14 - 23 ngày.

- Thời kỳ lây truyền khoảng 1 tuần trước và ít nhất 4 ngày sau khi bắt đầu phát ban. Bệnh ru-bê-ôn có tính lây truyền cao. Trẻ mắc hội chứng ru-bê-ôn bẩm sinh có thể đào thải vi rút trong nhiều tháng sau khi đẻ.

  1. Phương thức lây truyền: Phương thức lây truyền của bệnh bằng đường tiếp xúc trực tiếp với chất tiết đường mũi họng của bệnh nhân hoặc có thể lây truyền qua các hạt nước miếng của bệnh nhân được khuếch tán trong không khí. Trong điều kiện sống khép kín, tất cả những người cảm nhiễm đều có thể bị nhiễm vi rút. Trẻ em mắc hội chứng ru-bê-ôn bẩm sinh sẽ đào thải nhiều vi rút trong dịch tiết hầu họng, trong nước tiểu và là nguồn truyền nhiễm cho những người tiếp xúc.
  2. Tính cảm nhiễm và miễn dịch: Mọi người đều có cảm nhiễm với vi rút rubella nếu chưa có kháng thể miễn dịch đặc hiệu. Trẻ em sẽ bị mắc bệnh khi hết kháng thể của mẹ truyền cho qua rau thai. Sau khi mắc bệnh tự nhiên hoặc được gây miễn dịch bằng vắc xin rubella thì sẽ được miễn dịch chủ động. Tính miễn dịch được bền vững và có thể tồn tại suốt đời nếu bị mắc bệnh tự nhiên. Tính miễn dịch được tạo thành sau khi tiêm vắc xin rubella có thể còn phụ thuộc vào sự tiếp xúc với những trường hợp bệnh lưu hành địa phương. Có khoảng 10%-20% số người lớn ở Mỹ vẫn còn cảm nhiễm với vi rút rubella. Trẻ sơ sinh có kháng thể mẹ thường được bảo vệ trong khoảng 6-9 tháng, tùy thuộc vào số lượng kháng thể của mẹ truyền cho qua rau thai.
  3. Các biện pháp phòng chống dịch

7.1. Biện pháp dự phòng:

- Tuyên truyền giáo dục sức khoẻ: Cần cung cấp những thông tin cần thiết về bệnh ru-bê-ôn cho nhân dân, nhất là đối với phụ nữ, để phát hiện bệnh sớm, cách ly, phòng chống và cộng tác với ngành y tế trong việc tiêm vắc xin rubella nhằm loại trừ hội chứng ru-bê-ôn bẩm sinh ở trẻ em.

- Vệ sinh phòng bệnh:

Nhà ở, nhà trẻ, lớp học phải thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

Chiến lược giám sát bệnh ru-bê-ôn ở Việt Nam hiện nay là phải lồng ghép với giám sát bệnh sởi và tăng cường giám sát, phát hiện bệnh sốt phát ban dạng sởi. Nên lấy huyết thanh của các bệnh nhân nghi ngờ để làm xét nghiệm đồng thời MAC-ELISA sởi và rubella. Nếu có điều kiện thì lấy máu và/hoặc chất nhầy họng để phân lập vi rút.

Thực hiện tiêm vắc xin phối hợp sởi - quai bị - rubella (MMR) cho trẻ em hoặc tiêm vắc xin rubella cho thiếu nữ từ 11- 13 tuổi.

7.2. Biện pháp chống dịch:

- Tổ chức:

Thành lập Ban chống dịch do lãnh đạo chính quyền làm trưởng ban, lãnh đạo y tế địa phương làm phó ban thường trực và các thành viên khác có liên quan như: Y tế, Giáo dục, Công an, Hội Phụ nữ, Hội Chữ thập đỏ v.v...

Các thành viên trong Ban chống dịch được phân công nhiệm vụ để chỉ đạo và huy động cộng đồng thực hiện tốt công tác chống dịch.

Đối với vụ dịch nhỏ cần giành một số giường bệnh trong một khu riêng ở khoa lây bệnh viện để cách ly và điều trị bệnh nhân. Nếu có dịch lớn thì có thể thành lập bệnh xá dã chiến trong cộng đồng.

- Chuyên môn:

Bệnh nhân phải được cách ly nghiêm ngặt trong thời kỳ khởi phát bị viêm long và trong 3 ngày phát ban. Những trẻ sơ sinh có hội chứng ru-bê-ôn bẩm sinh cũng phải được cách ly có kiểm soát trong 1 năm, trừ khi có kết quả phân lập vi rút rubella (-) từ dịch hầu họng, nước tiểu của bệnh nhi sau 3 tháng tuổi.

Không có người lành mang vi rút rubella. Người được tiếp xúc với trẻ có hội chứng ru-bê-ôn bẩm sinh phải là người đã có miễn dịch đặc hiệu rubella.

Trường hợp phụ nữ mang thai trong khoảng 16 tuần đầu mà chưa có miễn dịch đặc hiệu bị phơi nhiễm với vi rút rubella thì cần phải cân nhắc đến việc phá thai để phòng hội chứng ru-bê-ôn bẩm sinh ở thai nhi.

Có thể tiêm g globulin (IG) đặc hiệu liều cao (20 ml) cho thai phụ ngay sau khi bị phơi nhiễm với vi rút rubella, tiêm càng sớm càng tốt, đặc biệt là người có thai trong 3 tháng đầu. Chỉ định này có thể không phòng được bệnh ru-bê-ôn hoặc không ngăn ngừa được nhiễm vi rút huyết nhưng có thể làm thay đổi hoặc kiềm chế triệu chứng của bệnh.

Trẻ em, thiếu nữ tuổi trưởng thành cần được tiêm vắc xin Rubella đơn thuần hoặc hỗn hợp (MMR). Đây là loại vắc xin giảm độc lực, có hiệu quả bảo vệ tốt.                                  

Xử lý môi trường: Không cần thiết phải sát trùng tẩy uế đồng thời và sát trùng tẩy uế lần cuối đối với các chất thải của bệnh nhân ru-bê-ôn.

7.3. Nguyên tắc điều trị: Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh ru-bê-ôn. Bởi vậy, cũng như bệnh sởi, cần giữ gìn vệ sinh, dùng thuốc sát khuẩn nhẹ ở mắt, mũi họng và răng miệng cho bệnh nhân, nhất là trong thời kỳ có viêm long. Nếu bị bội nhiễm thì phải dùng kháng sinh thích hợp.

7.4. Kiểm dịch y tế biên giới: Không có quy định.

Nguồn Cẩm nang phòng chống bệnh truyền nhiễm

Các tin khác