CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ VẮC-XIN VÀ TIÊM CHỦNG
Ngày đăng: 18:35:40 05/04/2024

CÁC CÂU HỎI THƯỜNG GẶP VỀ VẮC-XIN VÀ TIÊM CHỦNG

Tác giả: Ths.Bs. Nguyễn Minh Ngọc
Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh

1. Tiêm chủng là gì?
Tiêm chủng là đưa vắc- xin vào cơ thể để tạo ra sự bảo vệ khỏi một căn bệnh cụ thể. Tiêm chủng là cách đơn giản, an toàn và hiệu quả để bảo vệ bạn khỏi các bệnh có hại trước khi tiếp xúc với chúng
2. Vắc-xin hoạt động như thế nào?
Vắc-xin làm giảm nguy cơ mắc bệnh bằng cách kết hợp với hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể để tạo ra sự bảo vệ. Khi tiêm vắc-xin, hệ thống miễn dịch sẽ hoạt động. Nó sẽ nhận biết tác nhân xâm nhập sau đó sản xuất kháng thể. Kháng thể là các protein được sản xuất bởi hệ thống miễn dịch để chống lại bệnh tật. Do đó, sử dụng vắc-xin là cách an toàn để tạo ra phản ứng miễn dịch trong cơ thể mà không gây bệnh.
Hệ thống miễn dịch của chúng ta có khả năng ghi nhớ. Sau khi tiếp xúc với một hoặc nhiều liều vắc-xin, chúng ta thường được bảo vệ khỏi bệnh trong nhiều năm, nhiều thập kỷ hoặc thậm chí cả đời.
3. Khi nào chúng ta cần tiêm vắc-xin?
Mỗi loại vắc xin có lịch tiêm chủng và đối tượng được tiêm chủng khác nhau, bạn nên thực hiện tiêm chủng bất kỳ lúc nào càng sớm càng tốt theo lịch tiêm chủng được khuyến cáo. Nếu trì hoãn tiêm chủng, bạn có nguy cơ bị bệnh. Nếu đợi cho đến khi bạn nghĩ rằng mình có thể bị lây nhiễm một căn bệnh nghiêm trọng (ví dụ khi trong gia đình hoặc người xung quanh bị bệnh) thì tiêm chủng có thể không có đủ thời gian để vắc-xin phát huy tác dụng tối ưu. Nếu bạn đã bỏ lỡ bất kỳ lần tiêm chủng nào, hãy đến các cơ sở y tế để nhân viên y tế cân nhắc việc có nên tiêm bù hay không.
4. Tại sao chúng ta cần tiêm vắc-xin?
Nếu không có vắc-xin, chúng ta có nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm có thể gây biến chứng tàn tật hoặc thậm chí tử vong như sởi, viêm màng não, viêm phổi, uốn ván và bại liệt… Nhờ có vắc-xin, một số bệnh ngày nay đã trở nên không phổ biến nhưng tác nhân gây bệnh vẫn lưu hành ở một số nơi trên thế giới. Trong thế giới ngày nay, các bệnh truyền nhiễm có thể dễ dàng xuyên biên giới và lây nhiễm cho bất kỳ ai không được bảo vệ.
Hai lý do chính để chủng ngừa là để bảo vệ chính chúng ta và bảo vệ những người xung quanh chúng ta do một số người bị bệnh nặng hoặc mắc một số bệnh bị chống chỉ định không được tiêm ngừa, họ phụ thuộc vào những người khác đã tiêm ngừa để không nhiễm bệnh và không lây bệnh cho họ.
5. Tiêm chủng có an toàn không?
Tiêm chủng là an toàn và tác dụng không mong muốn của vắc-xin thường nhẹ và tạm thời, ví dụ như sưng, đau nơi tiêm hoặc sốt nhẹ. Một số trường hợp có thể xảy ra tác dụng phụ nghiêm trọng, nhưng cực kỳ hiếm.
Tất cả vắc-xin trước khi được cấp phép đều được kiểm tra nghiêm ngặt qua nhiều giai đoạn thử nghiệm và thường xuyên được đánh giá lại sau khi được lưu hành. Lưu ý, chúng ta có nhiều khả năng bị tổn thương nghiêm trọng do nhiễm bệnh hơn là do gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi tiêm vắc-xin. Lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn rất nhiều so với rủi ro. Nếu không có vắc-xin, nhiều căn bệnh sẽ xảy ra và nhiều người có thể tử vong do nhiễm bệnh.
6. Một số tác dụng không mong muốn sau tiêm vắc-xin
Giống như bất kỳ loại thuốc nào, vắc-xin có thể gây ra các tác dụng không mong muốn như sốt nhẹ, đau hoặc mẩn đỏ tại chỗ tiêm; các phản ứng này sẽ tự hết trong vòng vài ngày.
Tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài là cực kỳ hiếm. Vắc-xin được theo dõi liên tục về độ an toàn, để phát hiện các tác dụng phụ hiếm gặp.
7. Có thể tiêm nhiều vắc-xin một lúc hay không?
Bằng chứng khoa học cho thấy việc tiêm nhiều loại vắc-xin cùng lúc không làm tăng tác dụng phụ. Trẻ em tiếp xúc với hàng trăm chất lạ có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch mỗi ngày. Khi tiêm vắc-xin kết hợp (ví dụ: vắc-xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và HIB), điều này giúp giảm số mũi tiêm, giảm bớt sự khó chịu, giảm số lần đến tiêm chủng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. CDC, Immunization: The Basics, https://www.cdc.gov/vaccines/vac-gen/imz-basics.htm
2. WHO, Vaccins and immunization: What is vaccination?, https://www.who.int/news-room/questions-and-answers/item/Vaccins-and-immunization-what-is-vaccination?

Các tin khác