Năm 2014, đã có gần 1,7 triệu trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng
Ngày đăng: 16:08:33 15/05/2015
Đây là thông tin chính thức được công bố tại Hội nghị giao ban toàn quốc công tác tiêm chủng mở rộng tổ chức ngày 20 tháng 4 năm 2015, tại TP. Vinh - tỉnh Nghệ An.

Đây là thông tin chính thức được công bố tại Hội nghị giao ban toàn quốc công tác tiêm chủng mở rộng tổ chức ngày 20 tháng 4 năm 2015, tại TP. Vinh - tỉnh Nghệ An. 
 
Tham dự và chủ trì Hội nghị có GS.TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS. Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng; đại diện Lãnh đạo: Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Quản lý Dược. Về phía các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur có GS.TS. Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS. Phan Trọng Lân – Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh; đại diện Lãnh đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên và Viện Pasteur Nha Trang. Về phía Ban quản lý Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia có GS.TS. Nguyễn Trần Hiển – Trưởng ban; đại diện Lãnh đạo Ban quản lý dự án các khu vực và Lãnh đạo, cán bộ Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Về phía các tỉnh, thành phố có đại diện Lãnh đạo Sở Y tế, Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng và các cán bộ chuyên trách làm công tác tiêm chủng tại 63 tỉnh, thành phố. Tham dự Hội nghị còn có đại diện các đơn vị sản xuất vắc xin trong nước và các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), tổ chức GAVI, tổ chức PATH, AMP,….

 
Tại Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Trần Hiển – Trưởng ban Quản lý dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã báo cáo, đánh giá kết quả hoạt động tiêm chủng mở rộng năm 2014 theo đó trong năm 2014, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã nỗ lực triển khai tốt các hoạt động theo kế hoạch, có 13/14 mục tiêu, chỉ tiêu được Bộ Y tế giao đã đạt và vượt yêu cầu trong đó có những mục tiêu, chỉ tiêu đạt rất cao như: tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 8 loại vắc xin cho trẻ dưới 1 tuổi đạt 97,1% (với 1.699.072 trẻ được tiêm chủng đầy đủ), tỷ lệ tiêm chủng hầu hết các vắc xin tiêm chủng mở rộng năm 2014 tương đương hoặc cao hơn năm 2013 như vắc xin phòng bệnh Lao, vắc xin phòng bệnh Bại liệt, vắc xin phòng bệnh Sởi mũi 1 đều đạt trên 95%, riêng tỷ lệ tiêm vắc xin Quinvaxem đạt ở mức cao (95,2%) tăng so với năm 2013 (82,9%), tuy nhiên tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B trong vòng 24 giờ đầu sau sinh năm 2014 chỉ đạt 55,4% (thấp hơn kế hoạch đặt ra trên 65%), tỷ lệ này chỉ tương đương với năm 2013 (56%) và giảm mạnh so với năm 2012 (75,6%) nguyên nhân là do một số bệnh viện không triển khai hoặc cán bộ y tế rất dè dặt trong việc thực hiện tiêm tiêm chủng loại vắc xin này mặc dù vắc xin viêm gan B đã được Tổ chức Y tế đánh giá là rất an toàn và gần như không có chống chỉ định.
Tỷ lệ tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ có thai và nữ độ tuổi sinh để (từ 15-35 tuổi) trên quy mô cả nước đạt trên 90%, tỷ lệ trẻ được bảo vệ phòng uốn ván sơ sinh được duy trì cao, đạt 93,3% trong năm 2014 do đó thành quả loại trừ uốn ván sơ sinh tiếp tục được bảo vệ. Xét trên bình diện quy mô tỉnh cho thấy có 61/63 tỉnh, thành phố đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi trên 90%, tăng so với năm 2013 (93/63 tỉnh, thành phố và trên quy mô cấp quận, huyện đã có 648/704 (92%) quận, huyện đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi ≥90%, tăng mạnh so với năm 2013 (60,3%).
Ngoài ra, tỷ lệ tiêm chủng các vắc xin khác được triển khai trong tiêm chủng thường xuyên và trong các chiến dịch như vắc xin viêm não Nhật Bản, vắc xin tả, vắc xin thương hàn, vắc xin Sởi, vắc xin Rubella,… đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đặt ra.
 
GS.TS. Đặng Đức Anh – Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết: trong năm 2015 sẽ đưa thêm văc xin Sởi – Rubella vào tiêm chủng thường xuyên cho trẻ 18 tháng tuổi với mục tiêu đạt tỷ lệ ≥90% và triển khai tiêm vắc xin Bại liệt bất hoạt (IPV) trong Tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi bắt đầu từ quý IV/2015.
 
Ý kiến nhận xét, đánh giá của PGS.TS. Trần Đắc Phu – Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã bổ sung cho các báo cáo tham luận tại Hội nghị cho thấy trong năm 2014, nhờ tích cực triển khai các kế hoạch tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin sởi, đặc biệt là tổ chức thành công chiến dịch tiêm vắc xin vắc xin Sởi - Rubella cho trẻ 1 đến 14 tuổi trên toàn quốc với gần 20 triệu trẻ từ 1 đến 14 tuổi tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc được tiêm chủng an toàn, đạt tỷ lệ cao (97,4%) đã góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh Sởi và minh chứng rõ nhất là từ đầu năm 2015 đến nay không ghi dịch bệnh Sởi, Rubella tại Việt Nam mặc dù dịch Sởi vẫn đang được ghi nhận tại các nước các phát triển như Mỹ, Canada và 1 số nước khu vực châu Âu thời gian qua.

 
Phát biểu chỉ đạo và kết luận tại Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Thanh Long – Thứ trưởng Bộ Y tế đã đánh giá cao những kết quả đạt được của Chương trình tiêm chủng mở rộng  với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ làm công tác tiêm chủng ở các tuyến trong cả nước, công tác tiêm chủng mở rộng tiếp tục đạt được nhiều thành tựu như Việt Nam tiếp tục bảo vệ thành công thành quả thanh toán Bại liệt và loại trừ uốn ván sơ sinh; tỷ lệ mắc, chết các bệnh trong tiêm chủng mở rộng tiếp tục giảm trong năm 2014; tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ dưới 1 tuổi, tiêm vắc xin uốn ván cho phụ nữ, vắc xin viêm não Nhật Bản,… tiếp tục duy trì sở mức cao, đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Tuy nhiên, để người dân được dễ dàng tiếp cận dịch vụ tiêm chủng an toàn, chất lượng và hiệu quả trong thời gian tới Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia cùng với các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ Y tế cần tập trung thực hiện tốt một số hoạt động trọng tâm sau:

1. Xác định tiêm chủng là nhiệm vụ chính của tuyến y tế cơ sở do vậy cần phải tập trung hơn nữa để triển khai nhiệm vụ này nhằm đảm bảo cho trẻ được tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng thuận lợi nhất bằng cách tăng số điểm tiêm chủng, số ngày tổ chức tiêm chủng trong tháng tiến tới việc tổ chức tiêm chủng vào các ngày trong tuần.

2. Xây dựng kế hoạch tăng cường hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về công tác tiêm chủng ở tất cả các tuyến, coi đây là một trong những hoạt động trọng tâm của năm 2015. Tại các Ban quản lý dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia, khu vực và các tỉnh, thành phố phải có bộ phận hoặc bố trí cán bộ làm truyền thông về tiêm chủng để chủ động viết các tin, bài, câu hỏi và giải đáp các thắc mắc của người dân liên quan tới công tác tiêm chủng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

3. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chính quyền cơ sở, các ban, ngành đoàn thể xã hội trong việc quản lý đối tượng tiêm chủng tại địa phương nhằm tránh bỏ sót đối tượng tiêm chủng. Tiến tới việc tin học hóa công tác quản lý đối tượng tiêm chủng tại tất cả các tuyến.

4. Quyết liệt trong việc đổi mới công tác tiêm chủng thời gian tới nhằm tạo sự chuyển biến căn bản trong tiêm chủng mở rộng cũng như tiêm chủng dịch vụ.

5. Tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra công tác tiêm chủng đặc biệt là giám sát trước và trong khi tiêm chủng; giám sát của tuyến trên với tuyến dưới; giám sát chéo giữa các địa phương và đơn vị trong tỉnh đồng thời nâng cao vai trò, trách nhiệm cá nhân của Trạm trưởng Trạm Y tế xã, phường trong việc tổ chức buổi tiêm chủng nhằm đảm bảo an toàn.
 

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế

Các tin khác