SINH HOẠT KHOA HỌC ĐỢT 2 THÁNG 8: UNG THƯ & THỬ NGHIỆM ĐỘC TÍNH GEN
Ngày đăng: 17:07:41 15/09/2023

SINH HOẠT KHOA HỌC ĐỢT 2 THÁNG 8:

UNG THƯ & THỬ NGHIỆM ĐỘC TÍNH GEN

Ngày 22/08/2023, Chi đoàn Viện Pasteur TP.HCM phối hợp với Công đoàn Viện và Trung tâm Đào tạo tổ chức buổi sinh hoạt khoa học đợt 2 tháng 8 với chủ đề: “Ung thư và thử nghiệm độc tính gen” do ThS. Đỗ Thị Kim Yến, nghiên cứu viên khoa Độc chất - Di truyền - Miễn dịch trình bày. Buổi sinh hoạt diễn ra tại Phòng học 1, thu hút nhiều đoàn viên thanh niên, cán bộ nghiên cứu, viên chức và người lao động của Viện tham gia.

ThS. Đỗ Thị Kim Yến đã chia sẻ một câu nói nổi tiếng của nhà khoa học Paracelsus (1493-1541) - cha đẻ của Ngành Độc chất học hiện đại: “Tất cả mọi chất đều là chất độc, không có chất nào không phải là chất độc. Liều lượng thích hợp sẽ phân biệt được một chất độc và một thuốc”. Có nghĩa là: “Không có hóa chất an toàn mà chỉ có cách sử dụng an toàn.”
Nhằm chia sẻ sâu hơn về các kiến thức nền tảng liên quan đến độc chất và các bệnh không lây, ThS. Đỗ Thị Kim Yến đã lần lượt trình bày qua 4 nội dung chính, cụ thể như sau:
1. Ung thư là gì?
2. Độc tính gen liên quan đến ung thư như thế nào?
3. Thời gian phát ung thư là bao lâu?
4. Các thử nghiệm độc tính gen: Thử nghiệm COMET; Thử nghiệm vi nhân; Thử nghiệm xác định bất thường NST.


ThS. Đỗ Thị Kim Yến trình bày tại buổi sinh hoạt chuyên đề

Bên cạnh đó, bài báo cáo cũng cung cấp các thông tin đáng quan tâm về nguồn gốc của ung thư, sự xuất hiện các đột biến quan trọng xảy ra trong nhiễm sắc thể tế bào, thời gian để tập trung nhiều đột biến gen trong tế bào để phát triển thành ung thư và các yếu tố nguy cơ thúc đẩy quá trình phát triển thành bệnh ung thư, các thử nghiệm kiểm tra độc tính gen do OECD (Organization for Economic Cooperation and Development) hướng dẫn nhằm phát hiện các tác nhân gây độc gen cũng thu hút được sự chú ý của các cán bộ nghiên cứu.

Toàn cảnh buổi seminar

Phần cuối của bài báo cáo cũng trình bày về kỹ thuật COMET. Đây là kỹ thuật nhằm đánh giá mức độ tổn thương DNA của tế bào, có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu và giám sát như: nghiên cứu thử nghiệm độc tính gen, nghiên cứu dinh dưỡng, giám sát tạp nhiễm môi trường với các chất gây độc tính gen, giám sát quan trắc sinh học trên người, đo lường quá trình sửa chữa DNA trong điều trị ung thư...
Buổi sinh hoạt khoa học đã diễn ra thành công tốt đẹp và kết thúc vào lúc 15h30 cùng ngày.
Trân trọng cảm ơn sự trình bày của ThS. Đỗ Thị Kim Yến cùng sự tham gia của các cán bộ viên chức Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh./.

Ban Truyền thông (Khoa ĐCDTMD)

Các tin khác